Tái cơ cấu nông nghiệp, xâu kết chuỗi, liên kết vùng

Tái cơ cấu nông nghiệp, xâu kết chuỗi, liên kết vùng
8 tháng năm 2016, nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng âm. Lượng gạo xuất khẩu, mặt hàng chủ lực của Việt Nam, năm 2016 được điều chỉnh dưới 6 triệu tấn. Nhưng đáng lo hơn là giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm và thấp “đội sổ”.

Tái cơ cấu nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), để không thoát ly thực tế, phải được đặt trong bối cảnh các thách thức mà khu vực này đang phải đối mặt. Bài viết đề cập đến xâu kết chuỗi giá trị các ngành hàng nông sản, và liên kết phát triển vùng, hai nội dung thiết yếu của tái cơ cấu nông nghiệp chỉ tùy thuộc chúng ta.

Xâu kết chuỗi giá trị

Chuỗi là tập hợp nhiều hạt được xâu kết với nhau. Chuỗi giá trị của một mặt hàng là tập hợp nhiều công đoạn được xâu kết với nhau, sau mỗi công đoạn giá trị mặt hàng được gia tăng. Giá trị mặt hàng ở đầu ra phụ thuộc vào sự liên tục của chuỗi.

Xuất khẩu thô hay bán thô các mặt hàng gạo, cà phê… là mới đi chặng đường đầu của chuỗi. Các công ty nước ngoài nhập hàng thô này, chế biến, bao bì, để tên nhãn hiệu bán ra thị trường. Họ đi tiếp chặng đường còn lại của chuỗi và hưởng trọn phần giá trị gia tăng. Tại sao chúng ta không thể làm như vây?

Cả ĐBSCL có bao nhiêu kho trữ thóc, bằng bao nhiêu phần trăm của tổng sản lượng lúa hàng năm? Khâu sau thu hoạch hầu như bị thủng.  

Giá xuất khẩu của gạo Việt Nam, cho dù 5% hay 25% tấm, liên tục giảm và “đội sổ”, bắt đầu từ khâu đầu tiên giống. Nông dân rất muốn trồng các giống có giá trị xuất khẩu cao như Jasmine, Japonica… nhưng sau khi thu hoạch giá bán hơn giá gạo IR 50404 không bao nhiêu, không bù lại giá mua thóc giống, công chăm sóc. Giống IR 50404 vẫn được trồng rộng rãi vì chuỗi bị đứt ở đầu ra. Vì đâu?

Các khu vực 1, 2, và 3 của nền kinh tế phải gắn kết với nhau thành chuỗi thì nền kinh tế mới có hiệu quả cao. Điều này ai cũng biết.

Bộ Công thương được QH Khóa XII thành lập, với mong muốn khu vực công nghiệp và khu vực thương mại, dịch vụ gắn kết với nhau. Sự gắn kết này cần được nghiêm túc đánh giá.

Các khu vực 3 và 2 phải tạo ra sức hút tốt cho khu vực 1 thì hàng nông sản mới không chỉ xuất thô hay sơ chế, giá thấp. Về vấn đề này, cử tri rất muốn biết sự phối hợp giữa Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn như thế nào.

Hiện nay nhiều viện, trường hoạt động rất tốt trong từng khâu, nhưng kết quả hoạt động không được xâu kết vào chuỗi giá trị.

Trong những năm gần đây, ở ĐBSCL xuất hiện nhiều doanh nghiệp đã xâu kết các khâu của chuỗi giá trị gạo và đã chỉ ra các doanh nghiệp là tác nhân xâu kết chuỗi giá trị, nhất là họ khi biết áp dụng công nghệ thông tin vào sự xâu kết này.

Công nghệ cao (CNC) đã được áp dụng trong các khâu, và nhất là để xâu kết các khâu. Tuy nhiên, CNC áp dụng vào một khâu trong một chuỗi bị gián đoạn không mang lại hiệu quả bằng công nghệ bình thường trong một chuỗi giá trị liên tục.

Nông dân là người làm ra sản phẩm nhưng được hưởng rất ít từ phần giá trị tăng thêm của chuỗi. Để họ là động lực của tái cơ cấu nông nghiệp cần có khung khổ để nông dân tham gia tích cực hơn vào các chuỗi giá trị hàng nông sản và được hưởng nhiều hơn từ đó.


Năm tiểu vùng theo môi trường vật lý 

Liên kết phát triển vùng

Tái cơ cấu nông nghiệp sẽ đi vào nếp cũ nếu không thực hiện liên kết phát triển giữa các tỉnh, các tiểu vùng, và vùng ĐBSCL. Cơ sở khoa học của liên kết phát triển, và các nguyên tắc liên kết là gì?

Dựa trên môi trường vật lý của ĐBSCL, kết quả của quá trình tương tác giữa địa chất, thổ nhưỡng và thủy văn từ khoảng 5.000 - 6.000 năm nay, Chương trình Điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL phân đồng bằng thành 5 tiểu vùng: Đồng lũ kín Đồng Tháp Mười, đồng lũ nửa mở Tứ giác Long Xuyên; đồng lũ nửa kín Tây sông Hậu; tam giác châu giữa sông Tiền sông Hậu; và Bán đảo Cà Mau(1).

Từ sự giao thoa giữa quá trình sông từ thượng nguồn về, và quá trình biển, được hình thành tại đồng bằng 3 tiểu vùng: Nơi quá trình sông chiếm ưu thế; nơi quá trình biển chiếm ưu thế; và nơi mà hai quá trình tranh chấp và cân bằng động.

Các đường ranh phân định 3 tiểu vùng dịch chuyển theo mùa và sự dịch chuyển trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khi các đập thủy điện trên dòng chính đi vào vận hành chi phối bởi lợi nhuận của việc phát điện.

Hai cách tiếp cận đồng bằng, môi trường vật lý, và giao thoa sông - triều, không mâu thuẫn nhau mà bổ sung cho nhau.

Cùng nằm trong vùng ngọt (I), cùng là hai đồng lũ, nhưng quy hoạch phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười sẽ khác với quy hoạch tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên, bởi lẽ Đồng Tháp Mười là một đồng lũ kín trong khi Tứ giác Long Xuyên bao gồm một đồng lũ 1/2 mở và một đồng lũ mở, chế độ thủy văn rất khác nhau.

Vì ĐBSCL là một châu thổ, rất phẳng, cao trình mặt đất thấp, nên khi quy hoạch các tiểu vùng, cần hết sức chú ý đến các đặc trưng thủy văn, yếu tố biến động nhất so với thổ nhưỡng và địa chất, đến kết quả của giao thoa giữa sông Mekong, triều Biển Đông, và triều Vịnh Thái Lan.


Ba tiểu vùng giao thoa sông - triều  

Có năm nguyên tắc cơ bản trong liên kết (2)

1. Liên kết phải xuất phát từ yêu cầu;

2. Liên kết vùng phải tạo ra giá trị gia tăng và các bên tham gia cùng có lợi;

3. Giải pháp trong liên kết phải phù hợp với quy luật tự nhiên, kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường tại địa bàn;

4. Liên kết phải được thực hiện từ cơ sở lên, nơi sâu sát với sự biến đổi của môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội, mà cũng là nơi diễn ra các mâu thuẫn cần giải quyết.

5. Liên kết phải thu hút được sự tham gia của cộng đồng dân cư, của các nhà khoa học, của các doanh nghiệp theo tinh thần đối tác công tư (PPP).

Sự liên kết giữa các địa phương chỉ tốt nếu có sự phối hợp giữa các bên để tránh sự vênh nhau trong quy hoạch, bảo đảm cho các tài nguyên được khai thác đúng quy luật, tránh các khe hở trong ban hành chính sách vì lợi ích cục bộ.

Từ thực tiễn, những phối hợp cần thiết là:

Một, phối hợp trong việc khai thác và chia sẻ các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường;

Hai, phối hợp trong việc lập và phê duyệt các quy hoạch tổng thể, các quy hoạch ngành và địa phương, đặc biệt trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng;

Ba, phối hợp trong việc ban hành các chính sách về đầu tư, xuất khẩu…;        

Bốn, phối hợp trong phát triển nguồn nhân lực;

Năm, phối hợp trong các chính sách về an sinh xã hội, và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân;

Cũng từ thực tiễn, những nhân tố thúc đẩy sự phối hợp là:

Một, lợi ích của những người bị ảnh hưởng và của các bên liên quan chính được cân nhắc và bảo đảm trong các giải pháp;

Hai, sự tham gia thỏa đáng của các bên liên quan khi xây dựng chiến lược hành động;

Ba, có năng lực thích hợp, cơ chế tốt và công cụ mạnh để triển khai các chính sách;

Bốn, công tác theo dõi, đánh giá khách quan, công khai và có hiệu lực.

Vì sự phát triển bền vững của ĐBSCL, và của cả nước, tái cơ cấu nông nghiệp trong bối cảnh mới phải thành công.

Nhiệm vụ khó khăn vì các thách thức từ bên ngoài, quy mô toàn cầu và khu vực, và tại địa bàn không tác động riêng lẻ mà cùng nhau và liên hoàn tác động, trong khi đó cơ chế chính sách, quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, cần được đổi mới nhanh chóng hơn.

Tuy nhiên, tại 13 tỉnh ĐBSCL đã có những kết quả nghiên cứu triển khai, những mô hình sản xuất, xâu kết chuỗi, liên kết vùng mà kết quả đã đi vào sản xuất và cuộc sống. Đây lànhững tiền đề thuận lợi để ĐBSCL vượt qua các thách thức, tái cơ cấu nông nghiệp trong bối cảnh mới thành công.

________________

1. Các Chương trình phát triển Đồng Tháp Mười (1987), Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu (1988), và Ban chỉ đạo nghiên cứu khai thác Bán đảo Cà Mau (1989) đã được Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lần lượt thành lập, có ranh giới dựa trên các tiểu vùng này.

2. Có tham khảo tài liệu “Phối hợp liên tỉnh trong phát triển vùng ở Việt Nam”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, JICA thực hiện năm 2014.

* Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, Chủ nhiệm Chương trình “Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long”, ĐBQH các khóa IX, X, XI, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH.

 7 chương trình mục tiêu để phát triển liên kết Tiểu vùng Đồng Tháp Mười

Tại Hội thảo khoa học Liên kết hợp tác phát triển nông nghiệp tiểu vùng Đồng Tháp Mười tại Long An ngày 30.8.2016, chúng tôi đã đề xuất 7 chương trình mục tiêumang tính thí điểm cho sự liên kết phát triển tiểu vùng.

(1) Chương trình lúa gạo (diện tích chắc chắn, sản xuất sạch, tiết kiệm nước, ít phát thải khí nhà kính, theo chuỗi giá trị, giá trị xuất khẩu cao, có thương hiệu, trả lại một phần diện tích cho rừng tràm).

(2) Chương trình trái cây đặc sản sạch, giá trị xuất khẩu cao, có CD địa lý.

(3) Chương trình thủy sản sạch.

(4) Chương trình trồng lại rừng tràm, trữ nước ngọt và khôi phục chuỗi dinh dưỡng đa dạng vốn có, kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

(5) Chương trình nước sạch cho tiêu dùng, nước đáp ứng quy chuẩn trong các kênh trong Đồng Tháp Mười, nhất là trong mùa khô.

(6) Chương trình cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông thủy bộ thực hiện tiếp tinh thần của Quyết định số 99/TTg ngày 9.2.1996 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thủy lợi, giao thông và xây dựng nông thôn vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới.

(7) Chương trình giải quyết vùng trũng về giáo dục và đào tạo nghề cho tiểu vùng. Chương trình còn nhằm đào tạo nông dân, xã viên các HTX có kiến thức về kỹ thuật nông nghiệp, về môi trường, về quản lý tài chính và về quản trị kinh doanh, rất cần trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu.

Sáu chương trình mục tiêu từ 1 đến 6 có chung “trục” nước, yếu tố đang chịu nhiều tác động tiêu cực về lượng và về chất trong tiểu vùng.


Theo: Nguyễn Ngọc Trần/daibieunhandan.vn