Tái cơ cấu, tạo chuyển biến mạnh mẽ nông nghiệp

Tái cơ cấu, tạo chuyển biến mạnh mẽ nông nghiệp
Năm qua, ngành nông nghiệp đã vượt qua bao khó khăn, thử thách để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu. Giá trị SX toàn ngành tăng 2,7%, kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản vượt kế hoạch đề ra; hương trình nông thôn mới có những bước phát triển rõ nét… Báo NNVN đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát (ảnh) xung quanh những giải pháp chủ yếu cho năm 2014 của ngành.

 

Nông thôn mới đã mới

Thưa Bộ trưởng, chương trình nông thôn mới năm 2013 đã có nhiều kết quả tích cực. Bộ trưởng có thể khái quát những kết quả này?

Xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào lan rộng trong cả nước, được đông đảo nhân dân hưởng ứng và tham gia tích cực. Năm 2013, các xã đã tập trung thực hiện công tác quy hoạch và lập đề án xây dựng NTM. Đến nay, đã có 93% số xã hoàn thành quy hoạch và có 79,2% xã phê duyệt xong đề án làm cơ sở triển khai thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới có hiệu quả lâu dài.

Đồng thời, Chương trình đã tích cực huy động các nguồn vốn đa dạng, được 41.365 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 1.680 tỷ đồng, ngân sách địa phương 12.594 tỷ đồng, vốn tín dụng 15.152 tỷ đồng, các doanh nghiệp và nhân dân đóng góp 11.939 tỷ đồng.

Nhiều địa phương đã có cách làm hay, chính sách tốt trong việc huy động và lồng ghép các nguồn lực để thực hiện chương trình như các tỉnh Tuyên Quang, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Tĩnh, An Giang... Cùng với việc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều nơi đã chú trọng hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất để tăng thu nhập và thực hiện các nội dung về văn hóa, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Theo báo cáo của các địa phương, đã nâng cấp và xây dựng mới được gần 13.000 công trình hạ tầng và trên 7.000 mô hình sản xuất. Đến nay, bình quân mỗi xã đạt 7,87 tiêu chí, tăng 1,46 tiêu chí so với tháng 12 năm 2012.

Được biết, năm 2014, nguồn lực đầu tư cho chương trình NTM sẽ được tăng cường. Giải pháp nào để chương trình đạt được những kết quả to lớn hơn nữa, thưa Bộ trưởng?

Trước hết các địa phương cần tiếp tục phát huy những kinh nghiệm hay, có nhiều cách làm sáng tạo phù hợp. Năm 2014 cần tập trung cao hơn cho việc thực hiện nhiệm vụ về phát triển sản xuất cả nông nghiệp và phi nông nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân. Đây là tiêu chí quan trọng nhất đảm bảo cho chương trình được thực hiện bền vững.

Mỗi xã căn cứ vào điều kiện cụ thể để lựa chọn 1-3 sản phẩm chủ lực xây dựng mô hình, hướng dẫn và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất hàng hóa; khuyến khích các DN đầu tư sản xuất kinh doanh ở nông thôn, nhất là các ngành sử dụng nhiều lao động, công nghiệp, chế biến và bảo quản nông sản, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng phải tập trung giải quyết những yêu cầu bức xúc của người dân; giải tỏa những tắc nghẽn đối với phát triển sản xuất. Đồng thời, cần quan tâm thực hiện đồng bộ các nội dung về phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn.

Nâng cao đời sống cho nông dân

Thưa Bộ trưởng, ngành nông nghiệp là một trong những ngành đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu. Những điểm nổi bật của đề án này là gì?

Điểm nổi bật nhất của Đề án là phải thay đổi cách tiếp cận từ chỗ nỗ lực gia tăng sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi để đáp ứng nhu cầu của xã hội sang tập trung cao hơn để nâng cao hiệu quả của sản xuất, thu được nhiều giá trị gia tăng, đem lại nhiều công ăn việc làm và thu nhập cao hơn cho nông dân, góp phần tích cực hơn trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Trong cách làm, ngoài việc rà soát lại quy hoạch ở phạm vi cả nước và mỗi địa phương để lựa chọn các loại cây con chủ lực, tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn thì quan trọng nhất là phải có nỗ lực cao hơn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào sản xuất; tổ chức lại sản xuất trên cơ sở khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, liên kết với nông dân trực tiếp hoặc thông qua các hình thức hợp tác đa dạng để tạo mối gắn kết theo chuỗi từ sản xuất tới chế biến và tiêu thụ sản phẩm ổn định, phân phối hài hòa các lợi ích thu được.

Việc đào tạo nhân lực cũng như phát triển cơ sở hạ tầng cũng cần được đẩy mạnh nhưng phải được điều chỉnh mạnh, bám sát, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh cơ cấu sản xuất.


Năm qua, ngành nông nghiệp đã vượt qua bao khó khăn, thử thách để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu (Ảnh minh họa)

Trong nhiều cuộc họp, hội nghị, Bộ trưởng đã rất nhiều lần đề cập đến nội dung “Tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp”. Vậy giải pháp nào để làm được điều này, thưa Bộ trưởng?

Việc làm tăng giá trị gia tăng hay nói cách khác là tăng hiệu quả của sản xuất nông nghiệp cần được thực hiện ở nhiều cấp độ.

Trước hết cần tập trung cao hơn phát triển sản xuất các loại cây, con có lợi thế, tức là có triển vọng thị trường, tốt nhất là có hợp đồng hay cam kết tiêu thụ; địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp; có tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất.

Thứ hai, cần tập trung giải quyết những khó khăn, đẩy mạnh phát triển chế biến, bảo quản, làm tăng nhanh giá trị gia tăng.

Thứ ba, tập trung hỗ trợ nông dân áp dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật trong khâu sản xuất, trước hết là khâu giống; áp dụng các mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến. Nhà nước tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm.

Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm làm ra với giá cả có lợi.

Năm 2013, XK nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, tuy đạt mục tiêu đề ra, song đã gặp không ít khó khăn do thị trường thu hẹp, giá thấp. Để khắc phục những hạn chế trên, ngành Nông nghiệp và PTNT cần làm gì trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Trước hết, phải theo dõi sát sao diễn biến của thị trường quốc tế để thông tin cho nông dân điều chỉnh cơ cấu sản xuất, ưu tiên cao hơn phát triển sản xuất các sản phẩm đang có nhu cầu lớn, giá tốt trên thị trường quốc tế.

Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp trong nỗ lực duy trì và mở rộng thị trường. Ngoài việc đàm phán các hiệp định thương mại với các nước, cần làm việc cụ thể với từng nước để tháo gỡ rào cản, vướng mắc đối với nông, lâm, thủy sản từ nước ta; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tập trung hơn vào các thị trường lớn, các sản phẩm chủ lực của nước ta, quan tâm đúng mức tới các thị trường và sản phẩm khác.

Thứ ba, khuyến khích và hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp trong nỗ lực phát triển sản xuất kinh doanh có nguồn hàng hóa ổn định, chất lượng phù hợp, hướng tới giá trị cao, trong đó phát triển các mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Nhân dịp năm mới 2014, tôi xin gửi tới bà con nông dân cả nước lời chúc sức khỏe, hạnh phúc! Chúc toàn ngành có một năm vượt qua những khó khăn thách thức để đạt nhiều thắng lợi mới

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

NGUYỄN VĂN NGỌ  
Nguồn: nongnghiep.vn