Tâm lý tiểu nông sợ mất đất là 'quả núi' chắn ngang dòng chảy tích tụ

Yếu tố làng xã, dòng họ càng làm cho vấn đề trở nên phức tạp, tạo thành một quả núi lớn, án ngữ, ngăn cản dòng chảy tích tụ đất đai… Tỉnh tạm ứng cho xã 10 tỉ để trả tiền cho thuê đất nhưng bởi số hộ đăng ký quá ít nên sau 2 tháng xã phải trả lại hơn 4 tỉ, không thể giải ngân được...
Tích tụ xong vẫn bỏ hoang

Xã thuận lợi

Ông Ngô Văn Quang - Chủ tịch xã Xuân Khê (Lý Nhân) bảo với tôi rằng bình quân ruộng đất quê mình 504m2/khẩu sau dồn điền đổi thửa, hiến đất xây dựng nông thôn mới chỉ còn 450 m2/khẩu.

Trong khi đó, ngành nghề dịch vụ mộc, xây dựng phát triển, thanh niên đi hết nên chủ yếu ông bà già ở nhà làm ruộng. Nhu cầu cần ruộng không cao, bỏ trống ruộng nhiều nên xã từng phải ép cho các ban ngành, đoàn thể, trưởng thôn, bí thư chi bộ cấy để đảm bảo 100% diện tích.

Dẫu biết việc này rất tốn công sức nhưng bởi liên quan đến chính trị nên HTX, ủy ban xã phải xuất tiền ra mà hỗ trợ thêm dịch vụ nước, giống, cày bừa… nhằm phủ xanh đất hoang hóa.

Nông dân ở đâu cũng sợ mất đất, chính vì thế mà cách thức hai ông chủ tịch huyện, xã ký hợp đồng thuê quyền sử dụng đất của dân là một đảm bảo vững vàng, là dám chịu trách nhiệm đến cùng trước dân.

Ngược lại, để đảm bảo tính ổn định, trong thời gian 20 năm cho thuê ruộng, tuy rằng sổ đỏ dân vẫn giữ nhưng không thể thực hiện các giao dịch được. Khi xã xác nhận bảo lãnh cho nông dân vay vốn cũng phải trình với ngân hàng danh sách các hộ cho thuê đất để mảnh đất ấy không thể đem ra thế chấp. Toàn bộ vấn đề này được thông báo rộng rãi cho người dân rõ ngay từ đầu.

Với mức giá cho thuê 18 triệu/sào/20 năm trong khi giá bán vĩnh viễn 1 sào đất hiện tại là 30-40 triệu thì khá có lợi. Nhưng không phải thuyết phục cái là người dân đã thông ngay mà ngược lại, ban đầu rất khó.

Lý do: Một số hộ dân đã mua sắm máy móc như cày, bừa, gặt ngăn cản quyết liệt vì sợ mất nghề. Họ tuyên truyền, vận động người khác rằng cho thuê đất là mất đất. Thêm vào đó các hộ bán vật tư, phân bón sợ khi tích tụ doanh nghiệp không mua sản phẩm của mình nên cũng ra sức tuyên truyền chống đối. Các thành phần này cùng nhau truyền đi một thông điệp: Giờ đây chủ tịch huyện, chủ tịch xã ký hợp đồng thuê đất nhưng 20 năm sau các ông này không còn ở vị trí cũ nữa thì đòi lại đất thế nào?

Để giải tỏa những băn khoăn của dân, Xuân Khê tổ chức họp tuyên truyền từ trong Đảng ra các đoàn thể với cam kết chính quyền không để dân mất đất khi cho thuê. Từ đó, lại cho họp dân để thống nhất phương án. Giai đoạn I tỷ lệ đồng ý đạt trên 70%. Huyện, xã liền thảo hợp đồng giao cho các xóm trưởng, bí thư chi bộ mang đến tận nhà dân, ai nhất trí thì ký, ai không nhất trí thì thôi, không ép buộc.


Ra đồng lấy rơm
 

Hợp đồng được lập thành 3 bản, huyện giữ 1 bản, xã giữ 1 bản, dân giữ 1 bản. Trên 1.000 hợp đồng đã được phát ra ở Xuân Khê (có hộ 2 hợp đồng vì nhiều mảnh đất - PV) để 54,4ha đất được bàn giao sau đó. Các hộ nông dân nào không đồng ý, xã dồn lại một khu cho họ sản xuất tiếp.

Đợt II của tích tụ, theo kế hoạch xã phải hoàn thành 70ha tuy nhiên khác hẳn đợt I, tiến độ cực chậm chạp. Từ ngày 7/6-14/9 các xóm tổ chức ký hợp đồng với các hộ nông dân cho thuê đất nhưng tổng cộng chỉ có 230 hộ/602 hộ đồng ý, đạt 38,2%. Có trên 100 hộ đề nghị nguyện vọng được bán thẳng một lần hoặc đợi tiền về giải ngân mới chịu ký hợp đồng cho thuê đất.

Một số hộ đã đăng ký cho thuê đất nhưng nằm ở vị trí xen kẽ kiểu xôi đỗ trong khi một số hộ không nhất trí cho thuê đất nhưng cũng không đồng ý dồn dịch về vị trí khác. Giữa bối cảnh thời vụ ngắn ngủi, lại đúng thời điểm cấy hái nên chính quyền tôn trọng ý kiến của nhân dân dừng ký lại, đợi gặt xong lại tuyên truyền tiếp.

 

Xã nhiều người phản đối

Liền kề với Xuân Khê là xã Nhân Bình. Đợt I của xã này kế hoạch tích tụ là 30ha nhưng chỉ được 11ha dạng “xôi đỗ”. Với 30ha thôi nhưng liên quan tới 8 xóm với 332 hộ đủ để thấy đất đai của Nhân Bình nhỏ lẻ và manh mún đến mức nào. Tổng số đăng ký ban đầu là 242 hộ nhưng chỉ có 200 hộ chịu ký hợp đồng, 158 hộ chịu nhận tiền cho thuê đất.

Nhân Bình có 2 khu đất màu và đất lúa. Với diện tích đất màu ở xa, có thể cho thuê, có thể tích tụ bởi dân xóm 20, 12, 13 không tha thiết sản xuất. Ngược lại dân xóm 17, 18, 19 lại thích trồng màu nên có thể đổi đất lúa sang đất màu cho dân xóm 20, 12, 13. Thế nhưng mọi việc phải thực hiện trước khi dồn điền đổi thửa, còn nay ruộng đồng bờ bãi đã an bài, bìa đỏ nhà ai nhà nấy giữ thế này tích tụ khó chẳng kém gì lên trời.

Trước tình trạng này, địa phương xin ý kiến của tỉnh, huyện cho phép dồn các hộ đã tích tụ về khu bãi Lại, chuyển các hộ chưa đồng ý tích tụ ở khu bãi Lại lên bãi Đồng để tiện bàn giao 11ha liền vùng liền thửa. Tuy nhiên người dân kiên quyết không đi.

Bà Nguyễn Thị Chinh - Phó Chủ tịch xã Nhân Bình thừa nhận với tôi rằng khó khăn bởi nhiều lý do: Thứ nhất là dân cho rằng giá thuê 150kg ngô/sào/năm là thấp bởi đồng đất bãi Lại vốn 2 vụ lúa 1 vụ đông, mỗi sào rau màu có thể thu được 5-7 triệu đồng. Thứ hai là dân sợ cho thuê rồi mất luôn đất. Thứ ba là những gia đình không có nhu cầu cấy ruộng vì làm ăn xa, vì không có lao động chỉ muốn mua đứt bán đoạn để được nhiều tiền chứ không muốn cho thuê.

Thứ tư là một số hộ hiện đang làm nghề dịch vụ như làm đất, tuốt lúa, gặt đập hoặc có cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV, phân bón, giống cây trồng lo lắng khi tích tụ sẽ mất việc nên phản đối quyết liệt. Cuối cùng là một số hộ dân tự thuê đất của nhau với mức giá khá rẻ 40-50 kg/sào/năm, đang làm ăn tốt giờ có nguy cơ không thuê được nữa nên tuyên truyền, vận động, kích động các hộ có đất khác không tham gia.

Yếu tố làng xã, dòng họ càng làm cho vấn đề trở nên phức tạp, tạo thành một quả núi lớn, án ngữ, ngăn cản dòng chảy tích tụ đất đai… Tỉnh tạm ứng cho xã 10 tỉ để trả tiền cho thuê đất nhưng bởi số hộ đăng ký quá ít nên sau 2 tháng xã phải trả lại hơn 4 tỉ, không thể giải ngân được.

Trong 11ha đã tích tụ ở Nhân Bình chỉ có 2,5ha liền vùng liền thửa tiện cho sản xuất nhưng hiện vẫn bỏ hoang khiến một số hộ tranh thủ cấy xen vào. Xã cử người cắm ra cọc mốc giới nhưng dân vẫn phớt lờ khiến xã phải lập đoàn giải tỏa đi cắt lúa non. Để giờ đây, tất cả trở thành ruộng hoang, cỏ mọc ngút ngàn, trâu bò nhẩn nha kiếm ăn.

Bà Nguyễn Thị Mâu - 62 tuổi ở đội 13 có 4,2 sào lúa, 4,6 sào màu. Theo kế hoạch đợt II này thì 4,2 sào màu đó sẽ nằm gọn trong vùng tích tụ, phải cho thuê nhưng bà nhất định không đồng ý: Tôi vẫn thích cấy lúa. Nếu muốn thuê thì hãy thuê 4,6 sào màu ấy, mua đứt bán đoạn lại càng hay. Chồng bà Mâu tối ngày đi xây để lại việc đồng áng nặng cho người phụ nữ 62 tuổi. Bà bảo già rồi nhưng vẫn cố làm ruộng chứ cho thuê rồi thì sau này con cái sống bằng nghề gì? Liệu 20 năm nữa khi cán bộ ký thuê đất của bà về hưu hết lượt, con cháu mình có còn đòi được nữa hay không?...

09-18-26_b-mu-nht-dinh-khong-chiu-cho-thue-dt
Bà Mâu phản đối chuyện cho thuê đất
 

Thấy Phó Chủ tịch xã nhà đi cùng tôi, chị Lưu Thị Thư cứ xoắn lấy mà đề đạt nguyện vọng xin được… trả lại tiền thuê đất. Số là bố chị có 3,4 sào theo làng, theo nước đã cho thuê, đã nhận tiền (được khoảng 60 triệu) nhưng giờ ông ốm, quyền điều hành trong nhà giao lại cho con cái. Chị Thư chỉ muốn trả tiền để lấy lại đất: Tôi mới chỉ 50 tuổi nên vẫn còn sức để làm ruộng. Nói không ngoa, vụ đông năm ngoái trên 3,4 sào này nhà tôi thu 20 triệu đồng tiền bí, tiền đỗ nên giờ nhìn đất hoang tiếc lắm! Nhìn sang xã Xuân Khê cho thuê đất để doanh nghiệp đào đắp làm đường, cải tạo mặt bằng ầm ầm không biết sau này 20 năm nữa khi nhận lại ruộng có còn cấy cày được nữa không?

Đợt I mục tiêu tích tụ 30ha đã không xong, đợt II mục tiêu lên tới 60ha, dù xã đang tích cực tuyên truyền nhưng với lòng dân như thế này xem ra cũng rất khó.

Nguồn: nongnghiep.vn