Tạo cơ chế thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới ban hành Quyết định số 1050/QĐ-NHNN về việc cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Mô hình trồng dưa chuột bao tử theo tiêu chuẩn VietGAP. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)


Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc cho vay này không những giải quyết vấn đề vốn đầu tư tín dụng cho nông nghiệp mà còn hướng sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, liên kết hiệu quả, có tính cạnh tranh cao, theo mục tiêu đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nền nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đã thực sự trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và bộc lộ nhiều hạn chế do quy mô nhỏ, sản xuất manh mún, thiếu tính liên kết.

Trong quá trình xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn có sức cạnh tranh cao, những mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, quy mô lớn hay ứng dụng công nghệ cao đã cho thấy được những ưu việt.

Hiện Việt Nam có 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đặc biệt đã hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Hậu Giang...

Những mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ là tiền đề cho việc phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như mô hình sản xuất rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Lâm Đồng; mô hình sản xuất nấm quy mô trang trại tại Vĩnh Phúc; mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa xuất khẩu; mô hình nuôi cá tra sạch tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Được đánh giá là địa phương đứng đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đến nay, sau chín năm thực hiện, Lâm Đồng đã có gần 35.000ha cây trồng các loại được ứng dụng công nghệ cao, chiếm 11% diện tích sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, chương trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhanh và bền vững, đồng thời khẳng định chương trình là chủ trương đúng đắn của tỉnh. Qua đây, trình độ, nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn được nâng cao thông qua các khóa đào tạo chuyên sâu; năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi tăng cao nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Bên cạnh đó, tỉnh còn thu hút nguồn vốn FDI trong nông nghiệp khá lớn với số vốn trên 300 triệu USD, chiếm 60% trong tổng vốn đầu tư ngành nông nghiệp của tỉnh, trong đó cây chè chất lượng cao thu hút FDI nhiều nhất với 21 doanh nghiệp, rau màu và hoa trái cũng thu hút hàng chục doanh nghiệp tham gia.

Tại Vĩnh Long, nơi có diện tích nông nghiệp chiếm 78% diện tích tự nhiên, dự án hỗ trợ nông dân trồng lúa theo hướng cơ giới hoá và chứng nhận VietGAP đã khắc phục được những hạn chế trong sản xuất lúa của địa phương như chất lượng gạo chưa cao, chi phí sản xuất cao hay được mùa thì mất giá...

Mục tiêu của dự án là đến năm 2015, toàn tỉnh có 80% diện tích sản xuất lúa sử dụng giống cấp có xác nhận và xây dựng các cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa đạt 2.500-3.000ha.

Tuy nhiên, vụ Đông Xuân 2013-2014 vừa qua, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng được cánh đồng mẫu lớn với 3.183ha.

Ngoài ra, người dân xung quanh vùng dự án mở rộng thêm 1.751ha, đưa cánh đồng mẫu lớn của tỉnh đạt 4.934ha tại bảy huyện.

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Long cũng vận động được một số doanh nghiệp đầu tư thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức trả chậm (trả cuối vụ không tính lãi) được 300ha.

Các công ty kinh doanh sản phẩm lúa gạo như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Long, Công ty Lương thực Vĩnh Long, Công ty cổ phần Lương thực-thực phẩm Vĩnh Long đã phối hợp với chính quyền địa phương ký hợp đồng tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân tham gia cánh đồng mẫu lớn.

Ngoài cam kết thu mua hết lúa gạo, các công ty còn hỗ trợ tiền giống, vật tư nông nghiệp cho nông dân. Nhờ đó, năng suất lúa bình quân tại các cánh đồng mẫu lớn tăng so với ngoài vùng dự án 0,5 tấn/ha, chất lượng lúa sản xuất ra đồng đều hơn nên lợi nhuận tăng so với ngoài vùng dự án từ 3,5-4 triệu đồng/ha/vụ.

Hiệu quả kinh tế mang lại đã rõ nhưng việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ cho rằng lý do chính là các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn cần vốn đầu tư ban đầu rất lớn, vượt quá khả năng ngân sách của địa phương, người nông dân. Trong khi đó, vấn đề đất đai, quy hoạch thường cũng không thực tế nên khó thu hút đầu tư.

Hiện có tới 90% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng. Do quy mô vốn nhỏ nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong mở rộng sản xuất. Vấn đề quan trọng hiện nay là tháo gỡ các rào cản về mặt thể chế, tạo điều kiện để các hình thức tổ chức kinh tế như kinh tế trang trại, doanh nghiệp, mô hình hợp tác xã trong khu vực nông thôn phát triển.

Theo ông Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp hiện nay rất đắn đo khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nhất là công đoạn sản xuất mà họ chủ yếu tham gia vào khâu thu gom, sơ chế và tiêu thụ. Chính vì vậy, họ không quan tâm đến toàn chuỗi sản xuất.

Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn về hạn điền và thời gian thuê đất, hỗ trợ tích tụ đất đai, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực để họ quan tâm hơn đến đầu tư vào nông nghiệp.

Ông Nguyễn Trọng Nghiệp, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, cho biết qua mô hình liên kết trong sản xuất lúa hàng hóa tại địa phương cho thấy cần làm cho người dân hiểu, đồng thuận, tham gia một cách có hiệu quả.

Vấn đề chính là người dân thực hiện để đem lại chính lợi nhuận cho bản thân họ và đảm bảo quyền lợi cho các đối tác trong chuỗi liên kết. Khi mở rộng quy mô cánh đồng mẫu lớn phải ở những nơi đáp ứng được yêu cầu và mở rộng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ lúa giữa bốn nhà (nhà nông, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, nhà khoa học và ngân hàng) để các bên liên kết yên tâm đầu tư vốn, sản xuất.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch vùng chuyên sản xuất lúa có năng suất, chất lượng cao để ổn định sản xuất lúa, nâng cao khả năng cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam cần được địa phương quan tâm hơn.

Theo bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, việc lựa chọn công nghệ cao nào để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp cũng rất quan trọng.

Ngoài việc phải tham vấn các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Khoa học và Công nghệ cần phải tham vấn cộng đồng, chuyên gia, nông dân để xem có đúng là địa phương, nông dân đang cần loại công nghệ đó không, vì nhiều khi công nghệ đưa ra lại ngược với cái nông dân cần. Kèm theo đó là vốn để cho một loại công nghệ có thể đột phá.

Tuy nhiên, nếu vốn đầu tư không đủ lớn thì chỉ gây ra lãng phí, không giải quyết được vấn đề cho nông nghiệp./.
BÍCH HỒNG (TTXVN/VIETNAM+)
Nguồn vietnamplus.vn