Thanh Hóa tái cơ cấu ngành trồng trọt

Thanh Hóa hiện có 447.103 ha đất trồng cây hằng năm, trong đó lúa chiếm 57,3%, ngô 11,6%, rau màu 7,6%, mía 8,1%. Cơ giới hóa đồng bộ ngành trồng trọt, sản xuất nông sản sạch, tập trung gắn với chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị thu nhập là những nội dung chủ yếu thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.
Cấy bằng máy giờ đã là chuyện thường gặp.

 

Cơ giới hóa đồng bộ

Trở lại Định Hòa, xã tiên phong thực hiện cơ giới hóa đồng bộ ở huyện Yên Định đúng kỳ thu hoạch lúa chiêm xuân. Trước đây, khâu thu hoạch kéo dài cả tháng, giờ mười ngày đã hoàn thành. Lúa mẩy hạt, bông dài vàng óng dưới nắng hè, rơm thơm nồng nàn trên mỗi ngõ thôn.

Tại cơ sở sản xuất của anh Bùi Tiến Lực, ba lao động đang đưa lúa giống lúa vào bể ngâm ủ. Gia chủ bộc bạch: Lúc đầu làm mạ khay, gieo cấy bằng máy nhiều nông hộ không mặn mà, nên anh ra mạ, cấy không công cho các hộ nhằm giới thiệu mô hình, quảng bá hiệu quả. Sau đó, huyện có chính sách hỗ trợ 20% tiền mua máy cấy, máy sấy, máy gặt đập liên hợp, chính quyền xã cho anh thuê một ha làm nhà kho, bể ngâm ủ giống, sân sản xuất mạ khay; hợp tác xã (HTX) chịu trách nhiệm bảo lãnh năng suất lúa bình quân để nông dân mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất.

Đến thời điểm này, dù đã có bảy máy cấy, nhưng cơ sở không đáp ứng hết nhu cầu làm mạ khay, cấy bằng máy cho nông dân. Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Định Hòa phân tích: Một máy cấy được 1,5 ha/ngày, trong khi cấy thủ công cần tới 60 lao động. Cơ giới hóa đồng bộ góp phần khắc phục tình trạng thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp, rút ngắn thời gian làm đất, gieo cấy, thu hoạch, tạo quỹ đất, thời gian luân canh cây trồng trên một diện tích canh tác.

Tại xã Hoằng Quý, huyện Hoằng Hóa, nơi 2.500 người trong độ tuổi lao động đang sinh sống, nhưng có tới 60% thoát ly, làm công nhân ở các khu công nghiệp, đi làm ăn xa. Vì vậy, nông dân tạo điều kiện cho Công ty cổ phần công-nông nghiệp Tiến Nông (gọi tắt là Công ty Tiến Nông) thuê mười ha xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ.

Ra giống sản xuất mạ khay.

Chị Lê Thị Minh cho biết: Gia đình được giao năm sào ruộng cơ bản, nhưng nhiều lao động trong thôn đi làm ăn xa cho chị mượn, làm thêm tới hai mẫu ruộng. Thu nhập từ nghề trồng trọt “lấy công làm lãi” là chính, nên gia đình chị cho Tiến Nông thuê bớt diện tích, mỗi vụ trả 50 kg thóc/sào. Doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ mới có lãi, chứ nông dân năm trúng mùa cũng chỉ “được ăn gạo rẻ” mà thôi.

Trước hiện trạng sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, còn lệ thuộc nhiều tự nhiên, chi phí sản xuất cao, Tiến Nông là doanh nghiệp đầu tiên trong tỉnh Thanh Hóa mạnh dạn đầu tư thực hiện cơ giới hóa đồng bộ hoạt động trồng trọt trên đồng đất xứ Thanh. Từ chỗ chuyên sản xuất phân bón, cung ứng sản phẩm đơn lẻ, doanh nghiệp từng bước xây dựng, nhân các mô hình cơ giới hóa đồng bộ ở nhiều địa phương nhằm giảm chi phí sản xuất.

Doanh nghiệp hiện cung ứng đồng bộ các dịch vụ đầu vào, từ làm đất, lựa chọn giống, phân bón, sản xuất mạ khay, cấy bằng máy đến thu hoạch, bao tiêu nông sản. Trên cơ sở nghiên cứu “hiệu ứng đường biên”, Tiến Nông thực hiện cấy hàng rộng cho cây lúa đón nắng, sinh trưởng nhanh, phòng trừ dịch hại tổng hợp, thực hiện triệt để phương châm “bốn đúng” trong chăm sóc, phòng bệnh cho lúa. Do vậy, chi phí sản xuất giảm hơn 20%, sản phẩm nông nghiệp không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Đỗ Văn Tôn, Giám đốc Trung tâm máy và dịch vụ nông nghiệp cho biết: Để thực hiện cơ giới hóa đồng bộ ngành trồng trọt, doanh nghiệp thí điểm thuê lại đất của nông hộ xây dựng mô hình, thúc đẩy các HTX cùng tham gia. Đến thời điểm này, doanh nghiệp đã hỗ trợ, xây dựng 30 mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ ở các địa phương trong tỉnh với quy mô thấp nhất là năm ha, lớn nhất 200 ha. Tiến Nông tiếp tục hỗ trợ các HTX về máy móc, phân bón để các HTX tổ chức tốt các dịch vụ. Khi HTX phát triển vững chắc, doanh nghiệp sẽ thoái vốn. Tín hiệu vui là nông dân đã thấy được hiệu quả thiết thực, hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong nhân rộng mô hình cơ giới hóa đồng bộ.

Chủ tịch xã Hoằng Anh (TP Thanh Hóa) Lê Văn Chiến bộc bạch: Trong quá trình đô thị hóa, CNH hóa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu lao động nên Hoằng Anh có tới gần 1.000 lao động thoát ly nông nghiệp, chiếm 50% lao động trong xã. Theo đó, chính quyền xã tạo điều kiện cho doanh nghiệp Tiến Nông thuê lại 30 ha ruộng của nông dân xây dựng mô hình canh tác đồng bộ. Mới đây, TP Thanh Hóa có chính sách hỗ trợ các địa phương 30% kinh phí mua máy móc, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ ngành trồng trọt. Hoằng Anh đang xúc tiến thành lập HTX cổ phần, tạo quỹ đất tập trung tổ chức sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn.

Nâng cao thu nhập trên ha canh tác

Nằm ở lưu vực sông Mã, sông Yên, Thanh Hóa có hơn 256 nghìn ha chuyên canh lúa/năm. Nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều năm qua toàn tỉnh luôn đạt sản lượng hơn 1,6 triệu tấn lương thực, bảo đảm nhu cầu tại chỗ, có dư để chế biến, trao đổi, hỗ trợ chăn nuôi.

Từ năm 2009 đến nay, Thanh Hóa tập trung xây dựng được gần 54 nghìn ha vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao ở 14 huyện, bảo đảm giữ vững chốt an ninh lương thực, từng bước chuyển một phần diện tích đất lúa sang sản xuất các cây rau màu cao cấp, cây công nghiệp, nông sản thực phẩm.

Tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ các địa phương kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng, mua máy gặt đập liên hợp nhằm rút ngắn thời gian, giảm tổn thất sau thu hoạch, thiệt hại do thiên tai gây ra. Cùng với việc đổi điền, dồn thửa, quy hoạch lại đồng điền gắn với xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nhiều địa phương chủ động lựa chọn, du nhập cây trồng có tiềm năng cho năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích canh tác. Tại huyện Yên Định, một số HTX liên kết với Công ty giống cây trồng TƯ sản xuất thành công giống lúa lai, ngô lai F1 trên diện tích 900 ha/năm, giá trị thu nhập gấp 1,2 đến hai lần thóc thịt.

Huyện có chính sách hỗ trợ nông dân trồng cây đậu tương, mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên hai phần ba diện tích đất hai lúa. Một số địa phương còn năng động tìm kiếm đối tác, tổ chức trồng ớt, dưa chuột, măng tây xanh, trồng hoa, cây cảnh đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây trồng truyền thống.

Thu hoạch rau củ sạch.

Chăm sóc dưa trong nhà lưới.

Bí thư đảng ủy xã Yên Trung Trịnh Duy Bình cho hay: Dư lương thực nên cấp ủy, chính quyền xã chủ trương chuyển bớt đất lúa sang trồng ớt, dưa chuột, cây rau màu cao sản. 60 ha chuyên trồng dưa chuột, ớt cho thu nhập 400 triệu đồng/ha. Hai cây trồng này còn được trồng trên 140 ha, chiếm 58% diện tích vụ đông trên đất hai lúa.

Vụ này dưa mất giá vẫn đạt 300 triệu đồng/ha, gấp bốn lần trồng lúa. Giá ớt đầu vụ 60 nghìn đồng/kg, biến động giảm dần còn 10 nghìn đồng/kg nhưng vẫn đạt 20 triệu đồng/sào. Đầu nhiệm kỳ giá trị thu nhập ha canh tác là 56 triệu đồng, giờ đạt hơn 112 triệu đồng/ha. Hệ số sử dụng ruộng đất ở Yên Trung đã đạt 2,6 lần, bình quân thu nhập đầu người đạt 24,6 triệu đồng/năm. Nông dân Yên Trung tiếp tục chuyển hơn 50 ha đất lúa sang trồng rau, màu cao cấp.

Tại xã Yên Phong, mấy năm gần đây chính quyền địa phương du nhập, tổ chức trồng măng tây xanh trên quy mô 3 ha, cho thu nhập 400 triệu đồng/ha và 35 ha ớt xuất khẩu, cho giá trị thu nhập 500 triệu đồng/ha. Hai cây trồng này mất nhiều công chăm sóc, thu hoạch, đặc biệt măng tây xanh phải thu hoạch lúc chưa có ánh nắng mặt trời nhưng bù lại giá trị thu nhập gấp 5-8 lần lúa.

Điều ghi nhận là cán bộ HTX Yên Phong chủ động tìm kiếm thị trường, ký hợp đồng với các nhà hàng, khách sạn trong, ngoài tỉnh tiêu thụ nông sản cho nông dân. Hiện ớt đang rớt giá nhưng giá trị thu nhập vẫn gấp ba lần lúa. Ngoài thị trường Trung Quốc, cây ớt còn vươn tới Đài Loan, Malaysia. Nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên ha canh tác, HTX ký kết với Công ty lương thực miền bắc trồng các giống lúa chất lượng cao trên quy mô 100 ha để xuất khẩu lương thực.

Đến với xã Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa chúng tôi được biết, từ năm 2009, thông qua dự án cạnh tranh nông nghiệp, nông dân trong xã được chuyển giao quy trình kỹ thuật, hỗ trợ giống, vật tư, tổ chức sản xuất sau sạch theo tiêu chuẩn VietGap trên quy mô 4,5 ha. Nông dân dần bỏ thói quen lạm dụng chất kích thích tăng trưởng, tưới phân tươi; phun thuốc bảo vệ thực vật sau 5-7 ngày mới tiến hành thu hoạch rau, quả. Dù vậy, rau sạch đưa ra thị trường lúc đầu “không bắt mắt” người tiêu dùng và phải mất gần hai năm bù lỗ cho HTX, sản phẩm rau an toàn dần chiếm lĩnh thị trường ở TP Thanh Hóa. Tổ chức hội nghị khách hàng thường niên để quảng bá rau sạch, các thành viên HTX tiếp cận, ký hợp đồng cung ứng rau an toàn cho các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể ở TP Thanh Hóa.

Hiện có hơn 20 trường bán trú, gần chục khách sạn thường xuyên tiêu thụ sản phẩm rau sạch cho nông dân Hoằng Hợp. Vùng trồng rau an toàn theo hướng VietGap được mở rộng lên 17 ha. Nông dân Hoằng Hợp còn sản xuất được nhiều loại rau, màu trái vụ, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Do vậy, bình quân mỗi ha canh tác ở Hoằng Hợp đạt 180 triệu đồng/năm, sản xuất rau sạch chiếm 60% tổng doanh thu của HTX. Bên cạnh đó, HTX làm tốt các dịch vụ điện năng, làm đất, sản xuất mạ khay, thu hoạch, cung ứng vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, khẳng định vai trò “bà đỡ” của nông dân trong sản xuất nông sản hàng hóa.

Theo các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa: Năm 2013, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 68,2 triệu đồng/ha; rau màu các loại đạt lợi nhuận 1-1,5 lần lúa. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Thanh Hóa tiếp tục thâm canh tăng năng suất, sản lượng, chất lượng 65,4 nghìn ha lúa, chiếm 44,9% diện tích lúa toàn tỉnh, trong đó có 40 nghìn ha lúa đạt tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh sử dụng linh hoạt diện tích lúa ngoài vùng thâm canh, rà soát, từng bước chuyển diện tích canh tác lúa khó khăn, năng suất thấp sang trồng các loại cây khác hoặc xây dựng mô hình có hiệu quả kinh tế cao hơn. Vùng trồng ngô mở rộng trên đất bãi ven sông, đất chuyên màu, đất hai lúa, sườn đồi thấp, vùng bán sơn địa, trong đó có chín nghìn ha ngô hàng hóa chất lượng cao; vùng sản xuất rau theo quy trình VietGAP khoảng 3.800 ha, phát triển rau an toàn tập trung ở các huyện đồng bằng, ven biển, vùng ven các đô thị và khu công nghiệp tập trung, khu công nghiệp lớn, vùng sản xuất rau quả gắn với chế biến.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trong ngày hội xuống đồng.

Dự kiến đến 2020, tổng công suất các nhà máy chế biến rau quả đạt 54 nghìn tấn/năm, thị trường chủ yếu là Châu Á gắn các Hiệp định FTA, đạt giá trị xuất khẩu 10 triệu USD, còn lại tiêu thụ nội địa. Thanh Hóa giảm dần diện tích mía đường đứng chân đất 15 độ dốc sang trồng ngô, cỏ chăn nuôi, cây họ đậu, cao su, cây lâm nghiệp. Tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, hiệu quả, giá trị gia tăng; tăng thu nhập cho nông dân và cư dân nông thôn, góp phần giảm nhanh hộ đói nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng cho đại bộ phận dân cư.

Mai Luận
Nguồn nhandan.org.vn