Tháo gỡ khó khăn, dồn lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp
- Chủ nhật - 16/03/2014 07:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Áp lực đè nặng đầu ra hạt gạo
"Tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành chuỗi sản xuất gắn liền tiêu thụ. Kinh tế hộ gia đình không còn phù hợp, lấy nông dân là trung tâm chủ thể nhưng phải hợp tác. Khuyến khích tối đa doanh nghiệp vào phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn. Qua đó, phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất; cung ứng đầu vào và tiêu thụ nông sản; tạo việc làm cho người lao động, rút bớt lao động trực tiếp làm nông nghiệp. Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn, đây là chính sách nhất quán, mang tính chiến lược. Dành ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp, tìm mọi cách hỗ trợ cho nông dân, để phát triển bền vững; tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng cho nông thôn, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm xá, điện, nước sạch..." Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |
Đây là nhận định chung của Bộ Công thương cũng như Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Theo Bộ Công thương, xuất khẩu gạo đến nay đạt khoảng 753.000 tấn, trị giá FOB hơn 332 triệu USD, giá xuất bình quân là 428,7 USD/tấn. Trong đó, thị trường tập trung ở châu Á (84,39%) và châu Phi (6,61%). Hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo đến nay là 1,89 triệu tấn. Trong đó, hợp đồng tập trung là 600.000 tấn, còn lại là hợp đồng thương mại. Theo dự kiến, năm 2014 xuất khẩu gạo sẽ đạt 6,5 - 7 triệu tấn.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, diện tích vụ đông xuân ở ĐBSCL trên 1,6 triệu ha, ước sản lượng đạt khoảng 11,5 triệu tấn. Trong đó, sẽ thu hoạch trong tháng 3 và tháng 4-2014 là 7,57 triệu tấn. Dư kiến, lượng lúa hàng hóa cần tiêu thụ trên 9 triệu tấn, tương đương khoảng 4,5 triệu tấn gạo.
Theo tính toán của các tỉnh, thành ĐBSCL, giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân bình quân ở mức 3.769 đồng/kg, tăng 247 đồng/kg so với vụ trước. Trong đó, giá thành sản xuất lúa hiện cao nhất là thuộc về tỉnh Bến Tre với 4.276 đồng/kg, kế đến là Hậu Giang (4.188 đồng/kg), An Giang (4.166 đồng/kg); thấp nhất là Sóc Trăng với 3.238 đồng/kg. Trong khi đó, giá lúa tươi bán tại ruộng của nông dân hiện nay là 4.200 - 5.200 đồng/kg (tùy theo giống lúa, khu vực). Nếu quy ra giá lúa khô, thì tương đương nông dân bán lúa với mức giá 5.200 - 6.200 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân vẫn có lãi ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, việc giá lúa giảm khoảng 600 đồng/kg từ đầu tháng 3 đến nay, làm cho nông dân và chính quyền trong vùng đứng ngồi không yên.
“Chúng tôi đang theo sát tình hình Thái Lan giải phóng gạo tồn kho như thế nào. Nhất là động thái việc giá chào hàng của họ thấp hơn gạo Việt Nam đến 11 USD/tấn. Trong tháng 3 này, nhiều khả năng nông dân Thái Lan sẽ bán gạo bằng mọi giá khi các chính sách hỗ trợ trước đó của Chính phủ Thái Lan thất bại. Sức ép tìm đầu ra cho lúa gạo sẽ tăng lên”, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA nhận định.
Buôn có bạn, bán có phường
“Sản lượng lúa của Kiên Giang hiện nay khoảng 4,6 triệu tấn/năm. Chuyện tăng lên 5 triệu tấn lúa/năm không có gì khó khăn. Giá lúa đang tuột, nếu không có giải pháp can thiệp sẽ tiếp tục giảm. Tỉnh Kiên Giang đã chuyển một phần diện tích chuyên trồng lúa luân canh sang lĩnh vực nuôi trồng khác. Đây là vấn đề mà tỉnh đang trăn trở để tiếp tục tìm cách luân chuyển”, ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết. Hiện nay, các nước nhập khẩu gạo đều không công bố kế hoạch nhập khẩu, họ chỉ nhập cầm chừng, đủ tiêu dùng và chờ giá giảm do tác động của việc thay đổi chính sách nhập khẩu và do sản lượng gạo nội địa được dự báo ổn định hoặc tăng.
Nông dân Đồng Tháp phơi lúa mới thu hoạch. Ảnh: THẢO NGUYÊN |
Trước tình hình khó khăn và nguy cơ đầu ra hạt gạo gặp khó, nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ sớm triển khai biện pháp thu mua tạm trữ và kéo dài thời gian mua tạm trữ cũng như việc hỗ trợ và hạ lãi suất cho vay. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngân hàng cho các doanh nghiệp vay vốn mua lúa tạm trữ trong thời gian 6 tháng. Trong đó, hỗ trợ lãi suất mua tạm trữ trong 4 tháng, với lãi suất 7%/năm. Thông tin này phần nào đã giải tỏa áp lực về giá lúa và khâu tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa cho doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu Bộ Công thương phải quyết liệt tìm thị trường. Trong đó, cần làm việc với cơ quan chức năng Trung Quốc để mở rộng thị trường tiêu thụ lúa gạo. “Doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng phải tổ chức “buôn có bạn, bán có phường” không để tình trạng cạnh tranh giá không lành mạnh tiếp diễn”, đây là thông điệp mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi đến lãnh đạo VFA.
Khẩn trương tái cơ cấu
“Cần phải tính toán sản lượng lương thực như thế nào là vừa. Cứ để đà sản lượng năm sau cao hơn năm trước hoài, thì áp lực tiêu thụ lúa hàng hóa cứ tiếp tục diễn ra, thu nhập của nông dân tiếp tục bấp bênh”, đây là nội dung được nhiều vị đại biểu chia sẻ tại hội nghị.
“Sản xuất nông nghiệp là nền tảng, một trục phát triển, là trụ đỡ của nền kinh tế; cải thiện đời sống người dân, giảm nghèo. Nông nghiệp tăng trưởng liên tục và toàn diện nhưng nhìn lại, tốc độ chậm lại, thu nhập người dân ngày càng giảm. Người lao động trong nông nghiệp còn nhiều khó khăn”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ với những khó khăn mà ngành nông nghiệp đang đối diện. Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, trong sản xuất nông nghiệp, khâu sản xuất và tiêu thụ tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm rất cần đến vai trò của khoa học - công nghiệp. Thật tiếc, khi thị trường xuất khẩu gạo của chúng ta chiếm tỷ trọng rất cao, trong khi tỷ lệ rau màu chỉ khoảng 1% thị trường thế giới. Hay như việc mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra khoảng 2 tỷ USD để nhập khẩu bắp làm nguyên liệu chế biến thức ăn cho chăn nuôi. Đây là những minh chứng cho thấy, ĐBSCL có nhiều tiềm năng để luân chuyển cây lúa sang trồng các loại cây khác. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là việc chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiên tiến để hạ giá thành và tìm đầu ra ổn định, giúp nông dân đạt lợi nhuận ổn định.
“Chuyển 3 triệu tấn lúa sang chế biến thức ăn cho chăn nuôi - nghiên cứu làm được không? Nếu làm được, Chính phủ sẵn sàng tặng mấy cái huy chương”, câu hỏi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt ra tại hội nghị như một cách ví von hình tượng về việc luân chuyển đất trồng lúa sau cho có hiệu quả. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nhà nước nào cũng hỗ trợ. Không thể bỏ bảo hộ nông nghiệp. Không nên coi đây là bao cấp mà phải xem là chính sách, chiến lược, nền tảng phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Phải khẩn trương tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả, thu nhập của người nông dân tăng lên. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải gắn liền với xây dựng nông thôn mới, gắn với việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp đề ra”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý với chủ trương giảm 112.000 ha đất trồng lúa ở ĐBSCL nhưng cũng lưu ý, giảm diện tích ở những nơi năng suất thấp để trồng màu hoặc thủy sản mà có thị trường. Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ cho vùng chuyển đổi đất lúa.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: Hiện nay, bộ đang khẩn trương để chuyển 110.000 ha lúa hè thu sang cây trồng khác. Bộ đang gấp rút chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực triển khai các đề tài nghiên cứu về giống, kỹ thuật canh tác chuyển đổi trên đất lúa vùng ĐBSCL. |
Cao Phong
Nguồn sggp.org.vn