Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
- Thứ hai - 12/01/2015 11:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Yêu cầu ngành Nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới; Đưa vào giảng dạy nội dung bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Long An đến năm 2030... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những ngày qua.
Đưa vào giảng dạy nội dung bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng (Bộ đội Biên phòng) khảo sát, rà soát lại quy hoạch bố trí dân cư các xã biên giới để triển khai tổ chức thực hiện góp phần xây dựng Nông thôn mới, đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới.
Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch, chương trình định kỳ và dài hạn để phổ biến, giáo dục nhận thức cho nhân dân về chủ quyền biên giới đất liền, biển đảo trên các báo, đài Trung ương, địa phương, cũng như trên các kênh truyền hình đối ngoại và dành cho kiều bào ta ở nước ngoài.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng và đưa vào chương trình giảng dạy nội dung bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia cho học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên tuyền, vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân các vùng biên giới, hải đảo nâng cao ý thức, trách nhiệm, tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân với địa phương các nước có chung đường biên giới; ghi nhận, biểu dương, khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể có thành tích nổi bật trong thực hiện phong trào.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và các loại tội phạm; nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Xây dựng Khu KTCK Long An thành 1 cực phát triển kinh tế vùng ĐBSCL
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Long An, tỉnh Long An đến năm 2030.
Theo đó, xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Long An, tỉnh Long An thành một cực phát triển kinh tế về công nghiệp, thương mại, dịch vụ của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Khu kinh tế cửa khẩu Long An, tỉnh Long An (Khu kinh tế) có tổng diện tích tự nhiên là 13.080 ha, gồm 1 cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp và 1 cửa khẩu phụ Long Khốt.
Phạm vi lập quy hoạch Khu kinh tế (theo quyết định thành lập số 07/2010/QĐ-TTg ngày 25/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ), gồm địa phận 7 xã và 1 thị trấn: Thị trấn Mộc Hóa (nay là phường 1 và phường 2 thuộc thị xã Kiến Tường), xã Bình Hiệp, xã Bình Tân, ấp 1 thuộc xã Thạnh Trị, các ấp Bình Tây 1 và Bình Tây 2 thuộc xã Hòa Bình Tây (huyện Mộc Hóa), ấp Bình Châu và ấp Rạch Mây thuộc xã Tuyên Bình, xã Thái Bình Trung, ấp 1 và ấp 2 thuộc xã Vĩnh Bình (huyện Vĩnh Hưng).
Đến năm 2020, quy mô dân số khoảng 58.000 người; dân số đô thị khoảng 30.200 người; tỷ lệ đô thị hóa là 52%. Đến năm 2030, quy mô dân số khoảng 105.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 70.000 người; tỷ lệ đô thị hóa là 66%.
Cấu trúc không gian Khu kinh tế, được hình thành theo mô hình đô thị trung tâm Kiến Tường và hai hành lang đô thị (hành lang Kiến Tường - Bình Hiệp và hành lang Bình Hiệp - Vĩnh Bình) gắn với hai cửa khẩu dựa trên các tuyến quốc lộ 62, quốc lộ N1 (tỉnh lộ 831) và tỉnh lộ 831C.
Các khu công nghiệp có tổng diện tích 425 ha
Về định hướng phát triển không gian cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, Quyết định nêu rõ, các khu công nghiệp có tổng diện tích 425 ha, bao gồm: Khu công nghiệp - dịch vụ - thương mại tổng hợp, quy mô khoảng 279 ha được bố trí tại xã Bình Hiệp phía Đông sông Vàm Rồ, hai bên trục quốc lộ N1 với 4 loại hình công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, bao gồm: Công nghiệp chế biến hàng nông sản, bánh kẹo, bột gạo và các sản phẩm từ ngũ cốc, kho nông sản; công nghiệp sản xuất dụng cụ, thiết bị chế biến nông sản, lắp ráp hàng điện tử, cơ khí nông nghiệp; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và kho trung chuyển, sửa chữa lắp ráp ô tô, lắp ráp xe nông dụng đa chức năng, các loại xe và máy móc nông nghiệp, sản xuất nhôm định hình. Cho phép thực hiện các dự án kiểm soát được khả năng gây ô nhiễm môi trường.
Khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, quy mô khoảng 146 ha được bố trí tại phía Đông trung tâm thị xã Kiến Tường, sát sông Vàm Cỏ Tây, có 3 loại hình công nghiệp chính, bao gồm: Công nghiệp sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ phụ phẩm nông nghiệp và các mặt hàng khác; công nghiệp hàng tiêu dùng, may mặc, giầy da, bao bì và tiểu thủ công nghiệp: Đan lát, đồ thủ công mỹ nghệ. Yêu cầu các dự án kiểm soát được khả năng gây ô nhiễm môi trường.
Các cụm công nghiệp có tổng diện tích 54 ha, bao gồm các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp địa phương: Tại xã Tuyên Bình quy mô khoảng 24 ha; tại xã Vĩnh Bình quy mô khoảng 27,6 ha, tại xã Thái Bình Trung quy mô khoảng 2,4 ha.
Chuyển địa điểm thực hiện dự án Bể thử mô hình tàu thủy
Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc chuyển địa điểm thực hiện Dự án Phòng thí nghiệm trọng điểm - Bể thử mô hình tàu thủy từ Khu công nghệ cao Hòa Lạc, thành phố Hà Nội đến địa điểm mới tại xã Lâm Động, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan liên quan có trách nhiệm hướng dẫn Trường Đại học Hàng hải Việt Nam thực hiện việc chuyển địa điểm nêu trên; UBND thành phố Hải Phòng có trách nhiệm điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và thực hiện việc giao đất để thực hiện Dự án theo quy định.
Bộ Giao thông vận tải rà soát, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án theo quy định. Trong quá trình thực hiện, Bộ Giao thông vận tải cần lưu ý xác định rõ các khoản chi phí của dự án đã thực hiện và chỉ phân bổ các chi phí đã đầu tư trực tiếp cho dự án vào tổng mức đầu tư dự án mới; phương án khai thác sử dụng sau đầu tư, chi phí liên quan đến việc duy tu vận hành và phương án xử lý các tài sản của dự án đã đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện việc rà soát các tiêu chí, điều kiện để xem xét xếp loại dự án thuộc danh mục Phòng thí nghiệm trọng điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 213/TB-VPCP ngày 28/5/2014.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí kế hoạch vốn hàng năm để tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo quy định.
Về việc chuyển quyền sử dụng 25 ha đất của Dự án tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thực hiện thu hồi diện tích đất đã giao thực hiện Dự án tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc theo quy định sau khi thống nhất với Bộ Giao thông vận tải về phương án thu hồi chi phí đã đầu tư nhằm giảm bớt tổng mức đầu tư của dự án, tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Dự án Bể thử mô hình tàu thủy thuộc Đề án Xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 850/QĐ-TTg ngày 7/9/2000.
Mục tiêu của dự án là xây dựng Phòng Thí nghiệm trọng điểm-Bể thử mô hình tàu thuỷ trở thành trung tâm nghiên cứu thuỷ khí động lực học tàu thuỷ quốc gia có quy mô lớn nhất khu vực, với các trang thiết bị thí nghiệm hiện đại, đồng bộ; đủ năng lực giải quyết mọi vấn đề khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực: Kỹ thuật tàu thuỷ, kỹ thuật biển, thuỷ khí động lực học và một số lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp khác; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tiến tới gia nhập và trở thành thành viên của Hiệp hội Bể thử Thế giới (ITTC).
Nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất ngành nông nghiệp
Tại Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo trong năm 2015, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương tích cực phổ biến, cung cấp thông tin, kiến thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về thị trường, mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh giỏi, xóa bỏ tư duy chỉ làm nông nghiệp giá rẻ và phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.
Trong tái cơ cấu đầu tư công cần nghiên cứu, có cơ chế, chính sách thu hút và nhân rộng mô hình tư nhân bỏ vốn đầu tư vào các công trình cung cấp nước sạch, xử lý chất thải ở nông thôn, thủy lợi và các lĩnh vực khác.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Nông nghiệp cần đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Phát triển các hình thức hợp tác, liên kết giữa người sản xuất với các doanh nghiệp, hợp tác xã để tổ chức sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ; tiếp tục hình thành, nhân rộng các mô hình doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để sản xuất kinh doanh, cạnh tranh hiệu quả.
Đồng thời tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, phát huy quyền tự chủ, hoạt động như doanh nghiệp của các cơ sở nghiên cứu; tăng cường mối liên kết giữa người dân với doanh nghiệp, với nhà khoa học trong tất cả các khâu, các lĩnh vực nhằm thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, trong đó có chuyển giao kỹ thuật về sử dụng giống, phân bón cho nông dân.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương kịp thời giải quyết các rào cản kỹ thuật về thị trường với các nước liên quan để không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản; nghiên cứu áp dụng các rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế nhằm kiểm soát, ngăn chặn hàng nông sản, thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm nhập khẩu vào nước ta.
Năm 2014, tổng giá trị nông sản xuất khẩu đạt 30,86 tỷ USD, tăng 11,2%; hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều tăng. Trong đó nhiều mặt hàng tăng mạnh: thủy sản đạt 7,92 tỷ USD, tăng 18%; lâm sản và đồ gỗ đạt 6,54 tỷ USD, tăng 12,7% trong khi quản lý rừng, tốc độ tăng trưởng khá hơn, độ che phù rừng đạt 41,5%. Thủy lợi còn nhiều khó khăn nhưng đã tập trung đầu tư vốn nâng cấp hệ thống đê điều, hồ chứa, tăng diện tích tới trên 80.000 ha. Nhận thức của người dân về tác động năng suất đã thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp tăng nhanh. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp đã có những thay đổi cơ bản về nhận thức của cả hệ thống chính trị; phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới đã phát huy tác dụng, Chương trình đã có bước chuyển khá mạnh, người dân tích cực, nỗ lực tham gia, các địa phương có nhiều sáng tạo, cách làm hay, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả trong quá trình xây dựng nông thôn mới; việc huy động nguồn lực rất to lớn.
Theo congluan.vn