'Thuốc bắc' cho cánh đồng lớn
- Thứ hai - 25/05/2015 20:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo các hộ tham gia mô hình, sử dụng phân bón lá khoáng sinh học Lactofol O hạt lúa có vỏ trấu rất đẹp, ít lép, tỷ lệ hạt chắc cao, lúa chín rất nhanh.
Vụ ĐX 2014-2015 vừa qua, Trung tâm KN-KN Bình Định đã thực hiện mô hình sử dụng phân bón lá khoáng sinh học Lactofol O (do Cty TH COM cung ứng) trên cánh đồng lớn SX lúa OM 4900 tại HTXNN Hoài Mỹ (Hoài Nhơn) nhằm mục đích đánh giá hiệu quả để sau đó khuyến cáo nông dân sử dụng đại trà. Mô hình sử dụng phân bón lá khoáng sinh học Lactofol O có quy mô 1 ha, 10 hộ nông dân tham gia. Diện tích đối chứng là 1 ha trong CĐML cũng SX giống lúa OM 6900 nhưng không sử dụng loại phân nói trên. Trước khi bước vào SX, cán bộ kỹ thuật của Cty TH COM phối hợp với Trung tâm KN-KN Bình Định tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sử dụng cho nông dân tham gia. Bà Nguyễn Thị Đâu ở xã Hoài Mỹ tham gia mô hình sử dụng phân bón lá khoáng sinh học Lactofol O trên 5 sào lúa, cho biết: “Gia đình tui làm ruộng bao nhiêu đời rồi bây giờ mới sử dụng phân sinh học. Dùng nó không khó, chỉ cần bơm đúng kỳ, đúng lứa, đúng liều lượng theo hướng dẫn là cho hiệu quả cao”. Ông Trần Khánh Dư, Phó Chủ nhiệm HTXNN Hoài Mỹ cho biết thêm: “Sử dụng phân bón lá khoáng sinh học Lactofol O làm giảm được số lượng lớn phân NPK mà cây lúa vẫn phát triển tốt, năng suất vượt trội so ruộng ngoài mô hình. Tuy nhiên, khi sử dụng loại phân này đừng nôn nóng, vì là phân sinh học nên nó như “thuốc bắc”, lâu thấm nhưng kéo dài hiệu quả. Do đó phải chờ thuốc lưu dẫn thấm vào cây lúa, đừng thấy đã bơm phân rồi mà cây lúa chưa phát mà bón thêm phân hóa học vào là cây lúa sẽ bị thừa phân, phát sinh sâu bệnh”. “Sử dụng phân bón lá khoáng sinh học Lactofol O rút ngắn được thời gian lúa đứng trên đồng vừa làm giảm rủi ro cho cây lúa vừa tiết kiệm được nước tưới. Ngoài ra còn tiết kiệm được phân nền và cây lúa chống chịu nắng nóng tốt hơn”, bà Trân nhận xét. Theo các hộ tham gia mô hình, sử dụng phân bón lá khoáng sinh học Lactofol O hạt lúa có vỏ trấu rất đẹp, ít lép, tỷ lệ hạt chắc cao, lúa chín rất nhanh. “Trong vụ này, ruộng ngoài mô hình không sử dụng phân bón lá khoáng sinh học Lactofol O đều bị các loại sâu bệnh như sâu cắn gié, bệnh khô vằn, bệnh đen lép hạt gây hại, nhưng ruộng của tui sạch trơn, không hề bị”, bà Đâu cho biết thêm. Ngoài ra, qua theo dõi mô hình, Trung tâm KN-KN Bình Định còn ghi nhận khi sử dụng phân bón lá khoáng sinh học Lactofol O, cây lúa cho lá đòng dài và rộng hơn giúp tăng khả năng quang hợp tạo sinh khối, cho cây lúa sinh trưởng phát triển mạnh hơn, màu lá khi lúa chín giữ màu xanh tự nhiên hơn so ruộng ngoài mô hình. Đặc biệt, TGST ngắn hơn ruộng ngoài mô hình 2-3 ngày giúp nông dân chủ động trong việc thu hoạch để SX vụ sau. “Mặc dù bị ảnh hưởng thời tiết khiến vụ SX này tỷ lệ lép xuất hiện cao, riêng ruộng trong mô hình có tỷ lệ lép thấp hơn trung bình 4% và cho năng suất cao hơn ruộng ngoài mô hình 2,7 tạ/ha”, bà Nguyễn Thị Tố Trân, GĐ Trung tâm KN-KN Bình Định nói. “Chúng tôi đang định hướng cho xã Hoài Mỹ là phải làm tăng trưởng hiệu quả kinh tế trong SXNN. Sử dụng phân sinh học, xây dựng được những cánh đồng lúa sạch sẽ lôi kéo được các doanh nghiệp chuyên thu mua lúa chất lượng cao vào sẽ tạo được đầu ra bền vững. Trong vụ HT tới, HTXNN Hoài Mỹ cần làm tiếp mô hình sử dụng phân bón lá khoáng sinh học Lactofol O với diện tích lớn hơn để có cơ sở nhân rộng trong thời gian tới”, ông Phạm Trương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn đề nghị...
Theo NongNghiep.vn