Quân dân hợp lực

Quân dân hợp lực
Thực hiện chủ trương BĐBP tham gia xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau đã triển khai đến từng cán bộ, chiến sĩ, đồng thời chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia. Đến nay, trên khu vực biên giới biển của tỉnh Cà Mau, nhiều địa phương đã có những cách làm hay và đạt được những kết quả nhất định. Xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời thuộc địa bàn Đồn BP Sông Đốc là một điển hình.

 


Niềm vui có cầu mới của bà con xã Khánh Bình Tây.

 

Bước sang năm 2013, bà con ấp Đá Bạc A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời vô cùng phấn khởi khi có thêm cây cầu bê tông nối liền đôi bờ kênh cựa gà Tám Khệnh. Đã bao năm trôi qua, hơn 200 hộ dân trong vùng này ít ai nghĩ rằng, họ sẽ được dùng điện thắp sáng, được đi trên con đường bê tông và xây dựng được cầu nối liền mạch giao thông. Tất cả điều đó đang từng bước biến thành hiện thực.

 Từ ngày đội xây dựng tập kết vật liệu và đổ trụ cột bê tông chuẩn bị bắc cây cầu phục vụ nhân dân hai bên bờ kênh đi lại thì mỗi ngày đều có cán bộ xã, cán bộ biên phòng có mặt giám sát, đôn đốc và động viên đội xây dựng đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công trình phục vụ nhân dân. Nhiều người không phải là thiết kế, là thợ xây dựng, nhưng họ đều hăng hái và tích cực tham gia căng dây, cắm cọc, góp ý để công trình thêm hoàn thiện. Toàn bộ kinh phí gần 300 triệu đồng để xây dựng công trình này là do Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau vận động các nhà hảo tâm tại TP Hồ Chí Minh tài trợ. Đây cũng là nội dung nằm trong bản ghi nhớ kết nghĩa của BĐBP Cà Mau và BĐBP TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, để bắc được cây cầu này, làm được đường giao thông nối liền các địa bàn với nhau, chính quyền địa phương và cán bộ Đồn BP Sông Đốc phải mất nhiều ngày xuống địa bàn tuyên truyền, vận động bà con hiến đất làm đường, làm cầu. Lợi ích chung đã rõ, nhưng không phải người nào cũng thấu hiểu và sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng của mình. Ở đây không phải tấc đất tấc vàng, nhưng chặt bỏ cây ăn trái, phá bỏ vườn rau xanh tươi tốt để làm đường thì ai mà không nuối tiếc.

Được giải thích cặn kẽ nên công tác vận động giải tỏa mặt bằng cũng như tham gia xây dựng nông thôn mới được mọi người đồng tình. Bà Huỳnh Thị Xuân, năm nay 82 tuổi, ở ấp Đá Bạc A thuộc gia đình chính sách. Căn nhà bà đang ở cũng là nhà “Đại đoàn kết”, nhưng khi nghe có chủ trương làm đường, làm cầu trên địa bàn, bà Xuân tình nguyện hiến cho địa phương gần 1.000m chiều dài để làm đường và làm móng cầu. Bà Huỳnh Thị Xuân chia sẻ: “Ở đây cứ vào mùa mưa là đường sá đi lại khó khăn, hằng ngày nhìn các cháu nhỏ đi học phải lội đường trơn, tôi thương lắm. Đất ở của tôi còn, tôi hiến cho Nhà nước làm đường, làm cầu, không chỉ giúp trẻ em, người già trong ấp, mà còn giúp cho con cháu mình mai sau nữa”.

Nhân dân trong ấp chủ yếu làm ruộng, mấy năm gần đây áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế đem lại ngày càng cao. Hệ thống điện, đường, trường, trạm đã đảm bảo phục vụ nhân dân. Đời sống nâng cao, tinh thần người dân luôn phấn chấn và tin tưởng sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước. Gia đình ông Danh Col và bà Thạch Thị Cum, dân tộc Khmer, ấp Đá Bạc A, xã Khánh Bình Tây có đến 11 người con, đến nay đều đã trưởng thành, có cuộc sống ổn định. Ngoài trồng lúa, ông bà còn nuôi cá sặc bổi và làm khô để bán ra thị trường, mỗi năm thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Ông bà là những người đi đầu trong ấp tham gia hiến đất làm đường dân sinh phục vụ nhân dân. Ông Danh Col phấn khởi cho biết: “Gia đình sống ở đây từ ngày khai hoang lập ấp, cỏ và đồng hoang ai cũng ngán ngẩm và không nghĩ đến chuyện có điện thắp sáng, có đường bê tông và trường học khang trang cho trẻ em đến lớp, bởi dân trong vùng nghèo lắm. Nhưng nay đã khác, nhà ai cũng có hàng chục công ruộng lúa, mỗi năm thu hoạch hàng trăm rạ, một số gia đình còn đầu tư nuôi thêm cá bổi, mỗi năm thu nhập cũng vài chục triệu đồng trở lên. Cuộc sống ấm no, con cái trưởng thành, hiến vài trăm mét đất để phục vụ lợi ích chung là việc nên làm, bà con hàng xóm của mình và con cháu mình cùng hưởng, cùng góp phần xây dựng quê hương mình giàu đẹp văn minh”.

Chia sẻ những kinh nghiệm và cách làm hay của địa phương, ông Nguyễn Quốc Đoàn, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây cho biết: Đảng ủy, UBND xã triển khai sâu rộng trong cán bộ từ xã đến ấp, phối hợp chặt chẽ với đội công tác địa bàn của Đồn BP Sông Đốc tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới. Nơi nào khó khăn thì tập trung giải quyết từng vấn đề từ dễ đến khó, cơ bản nhất là phải tạo được lòng tin trong nhân dân. Từ đó, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Hiện nay, xã Khánh Bình Tây đã đạt được 5 tiêu chí, phấn đấu trong năm 2013 sẽ đạt thêm 7 tiêu chí nữa theo 19 tiêu chí của trên quy định.

“Là địa bàn biên giới biển xa các trung tâm, giao thông đi lại khó khăn, điều kiện phát triển kinh tế chậm, nhưng chính quyền và nhân dân địa phương đang nỗ lực phấn đấu trên từng tiêu chí chậm mà chắc và thật sự hiệu quả” - Ông Đoàn nhấn mạnh.

 

Lê Khoa
Theo bienphong.com.vn