11 ngành hàng nông sản chiến lược: Gỗ, chăn nuôi

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện nay tập trung vào 5 thị trường chủ lực là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc
 
Chế biến gỗ xuất khẩu

Gỗ 
 
Hoa Kỳ: Khuyến khích và hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ đồ gỗ tại Hoa Kỳ; mời các nhà nhập khẩu tham gia hội chợ trong nước như EXPO, VIFA Home, VIFA Fair; sớm kết thúc đàm phán hiệp định VPA/FLEGT với EU để tăng niềm tin tại thị trường Hoa Kỳ và thiết lập hệ thống đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp (TLAS) để cấp giấy chứng nhận gỗ hợp pháp cho các doanh nghiệp xuất khẩu. 
 
EU: Sớm kết thúc đàm phán hiệp định VPA/FLEGT với EU và thiết lập hệ thống đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp (TLAS) để cấp giấy chứng nhận gỗ hợp pháp cho các doanh nghiệp xuất khẩu; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại mặt hàng đồ gỗ tại thị trường Anh, Đức, Hà Lan, Bỉ, Pháp để lan tỏa sang các thị trường khác của EU; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết lại với nhau để có khả năng xuất khẩu các lô hàng lớn nhằm tận dụng sự hợp tác về hậu cần, kho bãi trữ hàng, tạo điều kiện giao hàng đúng hẹn để giữ uy tín. 
 
Nhật Bản và Hàn Quốc: Xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp FDI chuyển đổi mô hình từ trồng rừng cho sản xuất dăm sang ván nhân tạo hoặc chế biến đồ gỗ xuất khẩu; khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ Việt Nam khảo sát thị trường, tìm hiểu thị hiếu, tìm kiếm đối tác tại Nhật Bản và Hàn Quốc; tăng cường giao lưu, quảng bá đồ gỗ Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc. 
 
Trung Quốc: Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ để giải quyết lượng hàng tồn lớn; khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu theo đường chính ngạch... 
 
Chăn nuôi 
 
Ảnh minh họa
 
Trong nông nghiệp, chăn nuôi chiếm vị trí quan trọng tuy nhiên xuất khẩu chăn nuôi và sản phẩm chăn nuôi rất khiêm tốn, chưa tới 150 triệu USD/năm, trong khi giá trị nhập siêu khoảng 500 triệu USD/năm
 
Các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng là mật ong, trứng vịt muối và một số đặc sản vùng địa phương xuất sang thị trường các nước phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hồng Kông và Singapore. 
 
Chiến lược xâm nhập thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm chăn nuôi cần tập trung vào các vấn đề sau: Chủ động nghiên cứu cơ sở khoa học, đàm phán hạ thấp hàng rào kỹ thuật và giới hạn về dư lượng các chất cấm trong các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu. 
 
Tăng cường hợp tác quốc tế để thiết lập hệ thống thông tin thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, rào cản thị trường để các doanh nghiệp chủ động trong việc cập nhật thường xuyên các thông tin, thích ứng nhanh trong việc xây dựng chiến lược xuất khẩu. 
 
Tăng cường thu hút đầu tư, hợp tác ứng dụng khoa học công nghệ phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, kiểm soát được dịch bệnh, truy xuất được nguồn gốc, chủ động kiểm soát được dư lượng các chất cấm trong sản phẩm và đảm bảo an ninh sinh học. 
 
Tiến hành nghiên cứu thị trường xuất khẩu tiềm năng như Trung Quốc, Hồng Kông (cho thịt lợn), Trung Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản (thịt vịt), Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore (trứng vịt) về cả quy mô thị trường và thị hiếu tiêu dùng. Xúc tiến thương mại, tìm kiếm bạn hàng, phát triển và quảng bá thương hiệu đối với các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu của Việt Nam.
 
Sơn Trang (nongnghiep.vn)