Năm 2014, chương trình đã cho 1.143 khách hàng vay với tổng số tiền 40.057 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu khá cao so với định hướng 20.000 tỷ đồng. Kể từ khi triển khai vào năm 2012, đến nay, chương trình đã cho 4.503 khách hàng vay với tổng số tiền 67.509 tỷ đồng, chưa phát sinh nợ xấu, trả nợ đúng hạn.
Năm 2015, chương trình dự kiến cho vay 60.000 tỷ đồng, tăng 50% so với năm trước; tiếp tục tập trung vào các giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) qua danh sách quận, huyện và các hiệp hội ngành nghêgửi về Ngân hàng Nhà nước, trực tiếp ký kết cho vay DN – ngân hàng tại các quận huyện. Trong năm nay, tại TP. Hồ Chí Minh, chương trình sẽ mở rộng đối tượng tham gia với hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình, tiểu thương ở các chợ đầu mối; mở rộng các đầu mối phối hợp với hiệp hội ngành nghề, ban quản lý các khu công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, khu chế xuất, khu công nghiệp, liên minh hợp tác xã...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa : “Bộ Công Thương đánh giá cao chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Trong năm 2015, TP.Hồ Chí Minh cần phát huy tính chủ động, sáng tạo và quyết liệt để chương trình sâu rộng, hiệu quả hơn, có nhiều đối tượng tham gia hơn, giúp DN phát triển ổn định và bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước” . |
Lãi suất cho vay sẽ theo định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước về cho vay 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND không quá 7%/năm với tất cả lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các loại hình DN, hộ sản xuất và cá nhân khi tham gia chương trình. Riêng lãi suất cho vay trung - dài hạn áp dụng ở mức xoay quanh 9%. Lãi suất cho vay ngoại tệ hợp lý và phù hợp với đối tượng vay. Tiếp tục xem xét, điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ về mức hợp lý và phù hợp với điều kiện của các tổ chức tín dụng, theo diễn biến thị trường và tình hình kinh tế để hỗ trợ cho DN, hộ kinh doanh và cá nhân vay vốn.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo tiếp tục thực hiện chương trình ký kết hỗ trợ vốn vay cho DN trên địa bàn, tập trung DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân.
“Nhiều DN nói lãi suất trung và dài hạn còn khá cao, tôi đề nghị cần nghiên cứu các gói lãi suất sao cho phù hợp để DN vượt khó, mạnh dạn đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô, làm cho thị trường phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế. Công tác giám sát sau cam kết cũng rất quan trọng” - bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh lưu ý.
Ông Nguyễn Đồng Tiến - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước - khẳng định: Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và có giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận vốn; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo tích cực triển khai chương trình này.