Agribank tích cực triển khai cho vay vốn theo Nghị định 67

Với kế hoạch dành 5.000 tỷ đồng cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 76 của Chính phủ, đến nay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã cam kết giải ngân xấp xỉ 200 tỷ đồng, nhiều con tàu mới được đóng từ nguồn vốn vay của ngân hàng đã được hạ thủy.
Agribank tích cực triển khai cho vay vốn theo Nghị định 67

Theo quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP: Đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, chủ tàu được vay vốn NHTM tối đa 95% tổng giá trị đầu tư mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm; Đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay vốn NHTM tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.

Tại các địa phương đã có danh sách phê duyệt đóng tàu như Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Bà rịa Vũng Tàu, Bến Tre, Sóc Trăng, Quảng Ninh, Bạc Liêu, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận... Agribank đã tiếp cận được 448/543 tàu được phê duyệt đóng mới, đã nhận được hồ sơ của 56 tàu và đã ký kết 19 hợp đồng tín dụng. Tại các tỉnh chưa có danh sách phê duyệt như Cà Mau, Hải Phòng, Ninh Bình, Trà Vinh…, các chi nhánh Agribank đang tích cực tiến hành thẩm định sơ bộ khách hàng và trình UBND tỉnh chờ phê duyệt danh sách.

Tính đến 15/5/2015, dư nợ cho vay theo NĐ 67 theo cam kết của Agribank đạt trên 199 tỷ đồng, trong đó có những địa phương có số lượng tàu nhiều được Agribank cam kết hỗ trợ nguồn vốn như Tiền Giang (12 tàu), Bình Thuận (5 tàu), Quảng Bình (5 tàu)… và đến nay Agribank đã giải ngân trên 63 tỷ đồng. Có những con tàu đầu tiên cả nước được đóng mới bằng nguồn vốn của Agribank theo NĐ 67 tại Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình cũng đã được hạ thủy, giúp ngư dân nơi đây vươn khơi, bám biển, góp phần phát triển kinh tế biển tại địa phương.

Từ thực tiễn sau hơn 9 tháng triển khai, NĐ 67 đang gặp phải một số “nút thắt” như: Quy định của NĐ 67 về sử dụng máy mới 100% trong khi có trường hợp mong muốn của ngư dân được sử dụng máy cũ nhằm tiết giảm chi phí; Ngân hàng gặp khó trong việc thẩm định dự toán con tàu vì chưa có quy định về định mức kỹ thuật và giá khái toán tham khảo; Vướng mắc trong phê duyệt thiết kế mẫu tàu; Các đơn vị bảo hiểm chủ yếu chỉ nhận bảo hiểm thân vỏ tàu, không bảo hiểm phần ngư lưới cụ...

Để nguồn vốn ưu đãi của NĐ 67 nhanh đến được với các ngư dân, Agribank tiếp tục bám sát địa bàn, cùng các chi nhánh trong hệ thống trên cơ sở tổng kết thực tiễn triển khai, đưa ra các đề xuất giải pháp có liên quan sát với tình hình thực tế. Theo ngân hàng, để giải quyết các điểm nghẽn của dòng vốn ưu đãi này, cần sớm có câu trả lời về vấn đề có cho phép ngư dân dùng máy cũ hay không cũng như sớm ban hành các định mức kỹ thuật cũng như giá khái toán của các loại tàu. Để đảm bảo việc thẩm định giá dự toán đóng tàu của các cơ sở đóng tàu đưa ra, Agribank cũng đã đưa ra đề xuất nên chăng cho phép ngân hàng và chủ tàu thuê công ty tư vấn thẩm định giá, phí thuê tư vấn thẩm định được tính vào tổng giá trị đầu tư con tàu.

Bên cạnh đó, những vướng mắc về chính sách bảo hiểm cho ngư lưới cụ, thống nhất về các mẫu tàu, dự toán đóng tàu cũng nên sớm được thực hiện. Đặc biệt, theo ngân hàng, từ thực tế vướng mắc hiện nay thì cần triển khai thực hiện mô hình chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ, đảm bảo hiệu quả sản xuất của ngư dân.