Ai đang thao túng thị trường thức ăn chăn nuôi?

Thức ăn chăn nuôi là yếu tố mắt xích quan trọng để phát triển ngành chăn nuôi, vốn đang được coi là giải pháp đảm bảo an ninh lương thực trên toàn thế giới. Tuy nhiên, xét về thị phần hiện nay, các doanh nghiệp (DN ) ngoại đang chiếm 60 – 65% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất ra.

Sau cuộc giải cứu ngành chăn nuôi lợn, tại Đồng Nai – thủ phủ chăn nuôi, cũng như nhiều tỉnh thành trên cả nước, giá thịt lợn hơi đang nhích gần về mức trung bình 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo ông Âu Thanh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, với mức giá trên, người chăn nuôi vẫn gặp khó. Một trong nhiều nguyên nhân là do chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi tương đối cao.

Nhập khẩu nguyên liệu

Theo đó, phải kể tới giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) bị đội giá vì Việt Nam chưa tự cung được nguồn nguyên liệu, hầu hết vẫn nhập khẩu. Dẫn tới, theo Bộ Công Thương, so với các nước trong khu vực, giá TĂCN ở Việt Nam luôn cao hơn khoảng 15 – 20% khiến các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam khó cạnh tranh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến giá TĂCN trong nước luôn cao chính là việc ngành TĂCN nội địa phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Theo ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam, hiện nay cả nước có 207 nhà máy sản xuất TĂCN với công suất sản lượng hơn 22,2 triệu tấn/năm, nhưng chúng ta phải nhập khẩu một khối lượng nguyên liệu không hề nhỏ để sản xuất TĂCN.

Mới đây, Tổng cục Hải quan cho biết, nhập khẩu nguyên liệu TĂCN và nguyên liệu trong tháng 6/2017 đạt 333 triệu USD, tăng 27,5% so với tháng trước đó và tăng 6,57% so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung, trong sáu tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã chi gần 1,8 tỷ USD nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu, tăng 17,27% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo đó, trong sáu tháng đầu năm 2017, nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu của Việt Nam từ một số thị trường có kim ngạch tăng trưởng mạnh, cụ thể Italia với hơn 45 triệu USD, tăng 952,87% so với cùng kỳ; Canada với hơn 27 triệu USD, tăng 308,41% so với cùng kỳ…

Điều này cho thấy, ở Việt Nam, tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu TĂCN và phải nhập khẩu số lượng lớn TĂCN đã diễn ra từ lâu, trong khi TĂCN chiếm tới 60% chi phí sản xuất và giá thành.

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Việt Nam chỉ tự túc được khoảng 40% nguyên liệu chế biến thức ăn công nghiệp, còn 60% là nhập khẩu. Hiện nay, 100% ngô nhập về dùng cho sản xuất TĂCN; đậu nành hạt nhập về để ép lấy dầu, còn 80% bã dùng cho chăn nuôi; khoảng 20% sản lượng lúa mì nhập khẩu phục vụ ngành chăn nuôi. Việt Nam chỉ chủ động được nguồn cám gạo, khoai mì, còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu.

 

So với các nước trong khu vực, giá TĂCN ở Việt Nam luôn cao hơn khoảng 15 – 20%


Chi phối giá

Lý giải nguyên nhân, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam, cho hay, thời gian qua, giá các loại nguyên liệu như ngô, đậu nành đều giảm do được mùa và Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu các mặt hàng trên vào nước này. Vì vậy, chuyện các DN TĂCN nhập khẩu nguyên liệu là điều dễ hiểu, nhất là giữa tình hình nguồn cung trong nước chưa đáp ứng được.

Đặc biệt, theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam hiện có 5 DN lớn sản xuất TĂCN là Dabaco, Masan, GreenFeed, Vina và Lái Thiêu chiếm 23% thị phần; 5 DN FDI lớn nhất là CP, Deheus, ANT, Jafa comfeed và Cargill chiếm 37% thị phần, cho nên đã chọn cách nhập khẩu nguyên liệu sản xuất TĂCN để tối ưu lợi nhuận.

Trong khi đó, Việt Nam đang đứng thứ 17 trong top 20 quốc gia sản xuất TĂCN lớn nhất thế giới, nhưng với nhu cầu TĂCN khoảng 18 – 20 triệu tấn/năm, hoạt động sản xuất trong nước hiện nay gần như mới chỉ đáp ứng được nhu cầu nội địa.
Tuy nhiên, vì số lượng nhà máy sản xuất TĂCN trong nước có hạn, năng lực tự sản xuất còn khiêm tốn nên Việt Nam vẫn bị các DN nước ngoài thao túng do không làm chủ được công nghệ sản xuất.

Trên thực tế, dù sở hữu ít nhà máy hơn nhưng DN FDI chiếm đến 60 – 65% tổng sản lượng TĂCN sản xuất ra và vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, còn khối tư nhân nhà nước chỉ chiếm khoảng 35 – 40% trong tổng sản lượng song ngày càng co hẹp.

Trước việc các DN FDI đang chiếm lĩnh thị trường, giới chuyên gia cảnh báo, rủi ro lớn về biến động giá và tỷ giá, cộng với tỷ lệ chiết khấu hoa hồng cao của các DN FDI cho đại lý sẽ đẩy giá TĂCN gia tăng; hơn nữa, với việc nắm chi phối thị phần TĂCN sẽ giúp các DN ngoại dễ dàng định giá và tăng giá TĂCN hơn.

Hiện tại, trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi có hai hình thức phân phối chính: tiêu thụ thông qua hệ thống đại lý cấp 1, 2 từ công ty đến hộ chăn nuôi chiếm tới 90% sản lượng TĂCN sản xuất và tiêu thụ thông qua hình thức gia công chăn nuôi cho công ty chiếm khoảng 10% sản lượng TĂCN sản xuất.

Và cho dù một số công ty sản xuất TĂCN thực hiện bán hàng trực tiếp đến hộ chăn nuôi không qua hệ thống đại lý như: Anco, Hùng Vương, Proconco… nhằm cắt giảm tối đa chi phí giá thành, gia tăng năng lực cạnh tranh, nhất là giá bán với các đối thủ FDI, song con số này vẫn còn rất khiêm tốn.

Thy Lê
http://thoibaokinhdoanh.vn/