Ảnh hưởng dây chuyền từ dịch cúm gia cầm: Giá “chạm đáy”, người chăn nuôi lao đao

Ảnh hưởng dây chuyền từ dịch cúm gia cầm: Giá “chạm đáy”, người chăn nuôi lao đao
Do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm (DCGC), trong hơn hai tháng trở lại đây, giá các loại gia cầm, trứng gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Định liên tục giảm khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Nhiều trang trại, gia trại phải cắt giảm đàn hoặc bỏ trống chuồng vì không còn vốn sản xuất.

Điêu đứng vì lỗ

Ông Nguyễn Đình Sanh, ở thôn Xuân Mỹ, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước), than thở: “Từ đầu năm đến nay, khi có thông tin DCGC xuất hiện, giá gia cầm, trứng gia cầm giảm mạnh và hiện đang “chạm đáy”. Đầu ra khó khăn nên người chăn nuôi lâm vào cảnh điêu đứng. Thời điểm này, giá gà ta nuôi chuồng chỉ còn ở mức 45.000 - 50.000 đồng/kg, giảm 15.000 - 20.000 đồng/kg; gà ta thả vườn 65.000 - 70.000 đồng/kg, giảm 15.000 - 20.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi đang phải chịu lỗ bình quân 10.000 đồng/kg thịt gà. Hiện tại, tôi đang nuôi đàn gà thịt 1.300 con, mỗi ngày phải chịu lỗ hơn 3 triệu đồng tiền thức ăn, chưa tính chi phí thuốc thú y, công chăm sóc. Giá gà giảm sâu như vậy, nhưng kêu thương lái đến mua cũng không dễ vì đầu ra rất khó khăn do lượng tiêu thụ tại các chợ, siêu thị giảm mạnh”.

Còn theo ông Lê Xuân Đạt, chủ một trang trại chăn nuôi gà trứng tại thôn Phong Tấn, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước): “Trong khi giá gia cầm, trứng gia cầm sụt giảm mạnh thì giá các loại thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức khá cao, tạo áp lực rất lớn đối với cơ sở chăn nuôi. Hiện, trang trại của tôi đang nuôi 2.000 con gà trứng CP với tổng chi phí thức ăn trên 2,5 triệu đồng/ngày, tăng 500.000 đồng so với trước đây; trong khi giá trứng gia cầm thương lái mua tại trại chỉ còn 1.500 đồng/quả, giảm 600 đồng/quả, mỗi ngày trang trại thua lỗ trên 400.000 đồng. Nếu tình hình này kéo dài, chẳng bao lâu nữa người chăn nuôi sẽ phá sản”. 

Giá các loại gia cầm, trứng gia cầm giảm mạnh trong thời gian dài làm cho nhiều trang trại, gia trại bị thua lỗ, hầu hết các trang trại chăn nuôi lớn không còn vốn để tiếp tục nhập gà giống nuôi tái đàn, làm cho việc ấp nở gà giống cũng rơi vào cảnh ế ẩm và giá con giống cũng tuột gần một nửa. Giá gà giống thả vườn từ 24.000 đồng/con giảm xuống còn 10.000 đồng/con do hầu hết các gia trại, trang trại đều “treo chuồng” vì thua lỗ. 

Ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (huyện Tuy Phước), cho biết: “Với giá bán 10.000 đồng/con gà ta giống, trừ chi phí, cơ sở của tôi lỗ 3.000 - 4.000 đồng/con. Cơ sở cho ra lò từ 20.000 - 40.000 con giống/tuần, mỗi ngày phải gánh lỗ từ 60 - 80 triệu đồng. Để duy trì sản xuất, công ty phải vay thêm vốn ngân hàng và gối đầu vốn cho các đại lý tiêu thụ con giống nhằm kéo sức mua, nhưng có lúc buộc phải tạm ngừng cho ấp mẻ trứng mới. Tình hình chăn nuôi những năm gần đây quá bấp bênh, nay thêm gánh nặng dịch cúm, giá liên tục giảm, tồn hàng nên người chăn nuôi hầu như không nghĩ đến chuyện tái đàn”.

Theo các chủ trang trại, gia trại chăn nuôi trong tỉnh Bình Định, nguyên nhân làm cho giá gia cầm, sản phẩm từ gia cầm giảm mạnh là do hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đều có lệnh cấm nhập gà, vịt từ các tỉnh khác vì lo ngại DCGC lây lan. Trong khi đó, hiện nay, đàn gia cầm trong tỉnh khá lớn với gần 7 triệu con, thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Do vậy, khi đầu ra bị tắc, lập tức giá gia cầm giảm mạnh là điều tất nhiên, không thể tránh khỏi.

Hỗ trợ khôi phục sản xuất

Theo Chi cục Thú y Bình Định, sau khi phát hiện và tiêu hủy trên 500 con gia cầm mắc DCGC tại 3 hộ chăn nuôi ở các huyện Tuy Phước, Tây Sơn và Phù Cát, từ ngày 25/2 đến nay, trên địa bàn tỉnh không phát sinh thêm các ổ dịch mới. Tuy nhiên, hoạt động mua bán, vận chuyển gia cầm chưa thể khôi phục mức bình thường do một số tỉnh, thành trong cả nước chưa công bố hết DCGC và tâm lý lo ngại sử dụng thịt gia cầm của người tiêu dùng. 

Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Định, cho biết: “Đến nay, DCGC trên địa bàn tỉnh đã được khống chế, hầu hết các trang trại, gia trại chăn nuôi đều áp dụng khá tốt quy trình kỹ thuật phòng chống dịch. Gia cầm và các sản phẩm gia cầm khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường đều được lực lượng thú y kiểm dịch kỹ càng, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng, không nên quá lo ngại dịch bệnh mà tẩy chay”.

Cũng theo ông Quốc, để người dân yên tâm sử dụng thịt, trứng gia cầm, Chi cục sẽ cùng các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền sử dụng thịt, trứng gia cầm sạch. Đồng thời, tăng cường kiểm tra và công bố các điểm mua bán gia cầm sạch để người dân biết, yên tâm tiêu thụ thịt gia cầm. Về giải pháp căn cơ và lâu dài, ông Quốc kiến nghị, ngành chức năng cần có biện pháp cơ cấu lại ngành chăn nuôi gia cầm, tiến hành quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học, đảm bảo sản phẩm chăn nuôi sạch bệnh. Ngành ngân hàng cần có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ đối với các trang trại, gia trại gặp khó khăn về nguồn vốn; tăng cường công tác dự báo thông tin thị trường, kiểm soát chặt chẽ tình trạng gia cầm nhập lậu, kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia cầm để ổn định phát triển chăn nuôi.

Phú Mỹ
Nguồn; kinhtenongthon.com.vn