Áp lực nguồn vốn lên các ngân hàng
- Thứ năm - 12/05/2016 11:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cụ thể, tính đến cuối tháng 2-2016, tổng tài sản của toàn hệ thống ngân hàng đã tăng 0,74% so với đầu năm, đạt 7,37 triệu tỷ đồng. Trước đó, tổng tài sản hệ thống đến cuối tháng 1 đã bị giảm xuống còn 7,28 triệu tỷ đồng.
Đáng chú ý, tổng tài sản của khối các ngân hàng thương mại Nhà nước bao gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và 3 ngân hàng "0 đồng": GPBank, OceanBank, CBBank có mức giảm 0,13% so với tháng 1-2016, xuống còn gần 3,3 triệu tỷ đồng.
Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng thương mại Nhà nước đang chịu nhiều bất lợi khi phải thêm gánh nặng của 3 ngân hàng “0 đồng”. Vì thế, nên có cơ chế xử lý hợp lý hơn hoặc để các ngân hàng này phá sản.
Báo cáo của NHNN cũng cho biết, vốn điều lệ toàn hệ thống TCTD đã tăng nhẹ 0,15% so với đầu năm, đạt 460,9 nghìn tỷ đồng, nhưng chủ yếu tăng ở khu vực các ngân hàng thương mại cổ phần và quỹ tín dụng nhân dân.
Trong mùa đại hội cổ đông vào từ đầu tháng 4, các ngân hàng thương mại đều rục rịch lên kế hoạch tăng vốn, một phần để tăng niềm tin với cổ đông, một phần để cải thiện hoạt động kinh doanh. Tiêu biểu như Vietcombank dự kiến tăng gần 40.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng dự kiến tăng hơn 11.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng có kế hoạch tăng lên 500 tỷ đồng…
Cũng theo NHNN, đến cuối tháng 2, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn toàn hệ thống giảm nhẹ ở mức 30,77%. Trong đó tỷ lệ này tại các ngân hàng thương mại Nhà nước và cổ phần ở ngưỡng 34-35,5%, tại các công ty tài chính/cho thuê tài chính tăng mạnh lên 92,8%.
Báo cáo tài chính quý I của nhiều ngân hàng thương mại công bố mới đây cho thấy, mặc dù tín dụng cả huy động và cho vay vẫn ổn định nhưng các ngân hàng đang phải dành nhiều nguồn vốn hơn để trích lập dự phòng rủi ro, điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng.
Đơn cử, trong quý I, chi phí trích lập dự phòng rủi ro của Vietcombank lên tới 1.300 tỷ đồng, Vietinbank cũng trích tới 1.441 tỷ đồng…
Thậm chí, SHB trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ tăng đột biến lên hơn 168 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ gần 8 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế của SHB chỉ tăng 47% lên 244 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng mất khoản chi phí dự phòng rủi ro lên hơn 337 tỷ đồng, khiến lãi trước thuế chỉ còn hơn 30 tỷ đồng trong khi cùng kỳ là 538 tỷ đồng.
theo HQ Online