Bán điều non, cầm cố đất để tiêu xài - Bài cuối: Làm thuê trên đất của mình
- Thứ sáu - 29/05/2015 03:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo điều tra của Công an tỉnh Bình Phước, đến cuối năm 2014 toàn tỉnh với 10 huyện, thị xã có 176 hộ dân vay nặng lãi với số tiền 4,563 tỷ đồng, lãi suất từ 1,5 – 12%/tháng, thời gian vay từ 1 - 5 năm.
Vay nặng lãi và bị siết đất
Từ việc vay lãi nặng, có tới 17 hộ ở thôn 4, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, buộc phải sang nhượng và bị siết đất tái định canh tại tiểu khu 202 Nông lâm trường Đồng Nai. Tại thôn 4 còn có ông Điểu Nhâm đã vay 500 triệu đồng với lãi suất cao, buộc phải cầm cố đất. Đến khi không còn trả nổi, ông Nhâm thưa gửi ra xã, lúc đó chính quyền mới biết và hướng dẫn ông Nhâm đệ đơn đến tòa để xin khoanh nợ.
Sau khi các vụ việc vỡ lở, công an cùng các cơ quan chức năng vào cuộc hòa giải và yêu cầu những cá nhân cho vay phải trả lại khoản lãi suất cao đã lấy của các hộ dân, đồng thời trả lại đất. Lý do các hộ phải vay lãi nặng, theo Công an tỉnh Bình Phước vì họ chưa làm được hộ khẩu dẫn tới không tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng nên tự tìm tới những người cho vay nặng lãi để vay dùng vào việc chi tiêu.
Theo ông Lê Đức Tú – Phó Chánh văn phòng UBND huyện Bù Đăng, một số đối tượng chuyên mua, bán đất lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để làm quen, rồi cho các hộ mượn tiền mua vật tư sản xuất, lương thực, hàng tiêu dùng… với cách tính lãi cao. Đến lúc đòi nợ, các hộ vay không có tiền để trả, buộc họ phải bán điều non, cầm cố đất hay sang nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho chủ nợ.
Gỡ khó cho dân
Theo ông Đinh Quang Súy - Trưởng thôn 8, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, thực trạng bán điều non, cầm cố, sang nhượng đất của nhiều hộ dân còn có nguyên nhân khác là đất của họ đang sử dụng canh tác đa phần nằm trên địa phân các nông lâm trường nên không được cấp giấy CNQSDĐ. Đối với những hộ được nhà nước hỗ trợ đất thông qua các chính sách 134, 33, 1592, dù được cấp giấy CNQSDĐ nhưng lại vướng phải quy định được in trên giấy CNQSDĐ: “Nghiêm cấm cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng trong 10 năm”. Điển hình tại Chi nhánh Ngân hàng NNPTNT xã Đức Liễu (Bù Đăng), có 10 hộ đem giấy CNQSDĐ tới thế chấp vay tiền sản xuất, nhưng vì có dòng chữ nêu trên nên ngân hàng từ chối cho vay.
Chính vì các hộ DTTS không thể tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng hay ngân hàng với lãi suất theo quy định của Nhà nước, nên khi trong gia đình có việc cần đến tiền để chữa bệnh, đầu tư cây giống, vật nuôi để sản xuất…, họ buộc phải vay ngoài xã hội với lãi suất cao. “Năm nay trả không được, năm sau lãi lại tăng cho đến khi hộ vay không còn khả năng chi trả, phải bán luôn đất sản xuất để rồi đi làm thuê trên chính mảnh đất của mình” - ông Súy phân tích.
Điển hình như hộ ông Điểu Gia (SN 1964, ở thôn 8, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng) là hộ nghèo, nhà có 7 người, có 1,8ha đất trồng điều gần 20 năm. Sau khi vợ bỏ đi, con thường xuyên đau ốm, cuộc sống trở nên khó khăn hơn, trong khi đó đất không có giấy CNQSDĐ nên ông không thể vay vốn ngân hàng. Vì vậy từ năm 2010, ông Gia đã bán điều non cho anh L.V.V trong 7 năm với giá 10 triệu đồng/năm. Hay trường hợp hộ Điểu Văn Pốt (SN 1944, thôn 8, xã Nghĩa Trung) có khoảng 1,5ha đất trồng điều, do quá nghèo nên năm 2013 ông Pốt bán diện tích nêu trên lấy hơn 100 triệu đồng. Khi không còn đất, các con ông phải đi bứt lá nhíp, đọt mây trong rừng để bán kiếm sống qua ngày và gia đình nghèo vẫn hoàn nghèo.
Được biết, Sở TNMT Bình Phước đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh cấp giấy CNQSDĐ, đồng thời hướng dẫn các phòng nghiệp vụ của các huyện, thị đo đạc và cấp giấy CNQSDĐ cho các hộ thụ hưởng Chương trình 134 (tuy nhiên vẫn ghi chú không được chuyển nhượng, cho tặng, cầm cố, cho thuê sản xuất trong thời hạn 10 năm).