Băn khoăn khi chuyển hướng thị trường

(HQ Online)- Trước những cảnh báo về rủi ro tại một số thị trường mới, nhiều DN đã lo lắng và e ngại.
DN có thể liên kết với nhau tại một số công đoạn XK để việc thâm nhập thị trường mới trở nên dễ dàng hơn. Ảnh: Trần Việt.

 

Xu hướng mở rộng XK sang thị trường mới

Con số thống kê về tình hình XNK trong suốt thời gian qua của Tổng cục Hải quan đã cho thấy rõ cán cân rất “lệch” trong sự phân bố kim ngạch XK của Việt Nam tại các thị trường thế giới. Hầu như, trong các mặt hàng XK chủ lực, Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc là những thị trường chiếm tỷ trọng XK lớn. Điều này có thể sẽ gây trở ngại cho DN nếu những thị trường này xảy ra biến động hay có những quy định nghiêm ngặt hơn trong XNK.

Chính vì nhận thức được điều này và dưới sự hướng dẫn cùng những thông tin của các cơ quan xúc tiến thương mại, nhiều DN đã có xu hướng mở rộng sang các thị trường mới từ nhiều năm nay. Theo một số DN XK chè, thị trường các nước vùng Tây Nam Á và Nam Á hiện đang được nhiều DN hướng đến do có nhu cầu NK chè từ Việt Nam khá cao. Đại diện Công ty Cổ phần chè Á Châu cho hay, công tác giao dịch với các nước vùng Tây Nam Á hiện khá thuận lợi, hơn nữa, về mặt địa lý, việc vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến các quốc gia này cũng khá nhanh chóng và thuận tiện. Vì thế, trong thời gian tới, Công ty sẽ xúc tiến mở rộng thêm nhiều nguồn khách hàng hơn.

Hiện nay, Ấn Độ đang là thị trường mới nổi với con số tăng trưởng kim ngạch XK rất khả quan, nhiều mặt hàng nằm trong top 3 thị trường XK nhiều nhất. Bà Phạm Giang, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến & XNK nông lâm sản Lạng Sơn cho biết, sản phẩm XK của Công ty là hoa hồi nên phải tìm các nước có điều kiện văn hóa tương đồng, vì thế, Trung Quốc và Ấn Độ trở thành 2 thị trường chính. So với Trung Quốc, giao dịch với khách hàng Ấn Độ có nhiều khó khăn hơn nhưng lượng hàng XK luôn có xu hướng tăng thêm do Ấn Độ cũng là một nước đông dân và có văn hóa Phật giáo nên hoa hồi được dùng rất nhiều.

Bên cạnh các nước ở châu Á, nhiều DN đã hướng tới thị trường châu Phi. Các DN đánh giá, châu Phi là thị trường có nhiều rủi ro nhưng lại dễ tính đối với hàng hóa XNK. Chính vì thế, trong thời gian qua, nhiều chuyến đi tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại của các DN Việt Nam tới châu Phi được thực hiện và đã mang lại nhiều hợp đồng mới cho DN. Theo ông Nguyễn Ngọc Lượng, Giám đốc Công ty TNHH Giày dép Phong Châu, Công ty vừa cử một đại diện sang Algeria để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đây có thể sẽ là thị trường tiềm năng nếu biết tận dụng và khai thác.

Còn e ngại

Thực tế, bên cạnh xu hướng nhiều DN dám “dấn thân” sang các thị trường mới thì một số DN vẫn chùn chân, chưa dám thoát khỏi các thị trường quen thuộc. Tiêu biểu như thị trường Maroc, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) cho rằng, sản xuất ở nước này chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân nên mỗi năm Maroc phải NK 38-40 tỷ USD hàng hóa các loại, thế nhưng kim ngạch XK của Việt Nam sang quốc gia này mới chỉ đạt 156,3 triệu USD vào năm 2014. Nguyên nhân được các DN đưa ra nhiều nhất là lo ngại những rủi ro có thể gặp phải, điều này cũng đã được chính các cơ quan xúc tiến thương mại đưa ra cảnh báo.

Bên cạnh đó, nhiều DN cho rằng các sản phẩm, mặt hàng mà DN kinh doanh không phù hợp với những thị trường mới. Theo ông Phạm Xuân Pha, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất & XNK Phương Thanh, các mặt hàng của Công ty là thủ công mỹ nghệ sân vườn nên rất kén chọn khách hàng, vì thế, Công ty mới chỉ đang hợp tác XK sang Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ… Còn để XK được sang thị trường mới thì cần rất nhiều nguồn lực để nghiên cứu thị trường, thay đổi mẫu mã cho phù hợp với văn hóa. Điều này sẽ không dễ thực hiện nếu DN không nhận được sự hỗ trợ nào.

Còn theo đại diện Công ty Cổ phần chè Hà Thái, trước đây Công ty có XK hàng sang các nước vùng Tây Nam Á như Pakistan, Bangladesh… nhưng khách hàng và lượng hàng yêu cầu tại các quốc gia này không nhiều nên không đủ công sản xuất và vận chuyển. Vì thế, Công ty lại quay trở về tập trung vào các thị trường cũ với lượng hàng dồi dào hơn.

Để làm ăn được với khách hàng tại các thị trường mới, DN không chỉ cần nguồn vốn mà phải có chiến lược kinh doanh hợp lý. Nói về cách thức giúp DN đến được thị trường mới, ông Đặng Văn Hiển, Giám đốc Công ty Cổ phần Vinasimex (DN chuyên kinh doanh thương mại, sản xuất, XNK các sản phẩm từ nông nghiệp như: Thủy sản, sắn, gạo, thực phẩm, đồ uống…) cho rằng, DN cần phải tìm hiểu sâu để biết thị trường cần gì và DN có thể đáp ứng được gì. Bên cạnh đó, DN phải tập trung vào việc tìm kiếm khách hàng để có được nguồn hàng ổn định, đảm bảo doanh thu.

Còn theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), để mở rộng sang các thị trường mới nhưng giàu tiềm năng, DN phải có sự quyết tâm, phải xây dựng được một chiến lược kinh doanh lâu dài. Chính vì thế, các DN có thể liên kết phối hợp với nhau trong một số khâu khi XK để giảm tải chi phí, làm quen với các đối tác, tạo điều kiện đẩy nhanh cơ hội phát triển thị trường.
theo baohaiquan