Bấp bênh đầu ra, người nuôi ngao Lộc Hà nguy cơ thua lỗ!

Những năm gần đây, nuôi ngao trắng thực sự là nghề “nóng” của người dân vùng bãi ngang Lộc Hà (Hà Tĩnh) bởi nó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay, nghề này đang đối mặt với nhiều khó khăn khi thị trường bấp bênh, người nuôi có nguy cơ thua lỗ...
Toàn huyện Lộc Hà hiện có khoảng 190 ha với trên 80 hộ tham gia nuôi ngao.

 

Sau một thời gian chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, tháng 11/2016, khi có thông tin nước biển đã sạch thì HTX Loan Hoan (thôn Lâm Châu, xã Thạch Châu) tiếp tục thả ngao. Với 44 ha nuôi cũ, đầu năm 2017, HTX đã thu hoạch được 150 tấn ngao trắng. Sản lượng đạt cao, các thành viên trong HTX ai nấy đều phấn khởi. Thế nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi giá ngao trên thị trường quá thấp. Mặc dù thời điểm thu hoạch cận tết, giá cả thực phẩm đắt đỏ nhưng giá ngao vẫn chỉ đạt 12.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với những năm trước; thậm chí gần đây giảm giá xuống còn 8.000 - 9.000 đồng/kg. Tâm lý người dân ái ngại sau sự cố môi trường biển nên sức mua giảm nhiều.

Chị Lê Thị Loan – Giám đốc HTX Loan Hoan cho biết: “Giá ngao hiện nay chỉ bằng một nửa so với thời điểm 2 năm trước. Vậy mà, có khi cũng không tìm được thương lái thu mua. Nuôi ngao trước đây thắng lợi bao nhiêu thì giờ buồn bấy nhiêu. HTX đang đứng trước nguy cơ thua lỗ, gần 30 lao động có nguy cơ mất việc làm”.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà, toàn huyện hiện có khoảng 190 ha với trên 80 hộ nuôi ngao, tập trung ở các xã Hộ Độ, Mai Phụ, Thạch Châu, Thạch Bằng. Nếu như trước đây, mỗi vụ thu hoạch, thương lái khắp nơi đổ về thu mua, thì hiện nay, thị trường đã dần bó hẹp. Chị Nguyễn Thị Duyên - cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho biết: “Các tỉnh khác cũng bắt đầu nuôi ngao ồ ạt. Đặc biệt, sau sự cố môi trường biển, người tiêu dùng gần như quay lưng với ngao Lộc Hà nên các hộ nuôi cũng lo sợ khi thực hiện tái đầu tư”.

bap benh dau ra nguoi nuoi ngao loc ha nguy co thua lo

Ngư dân sửa chữa tàu thuyền chuẩn bị chuyến thu hoạch ngao mới

Ngoài khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, rủi ro về dịch bệnh cũng là một trong những nguyên nhân khiến một số người dân không còn mặn mà với nghề. Ông Nguyễn Văn Việt – một hộ nuôi ngao lâu năm ở xã Mai Phụ cho biết: “Như năm 2016, đầu năm thì ngao chết rét, giữa năm thì ngao chết do sự cố môi trường biển. Được vụ mùa đầu năm 2017 thì ngao lại xuống giá thảm hại. Cứ theo đà này thì người nuôi ngao sẽ dần bỏ nghề”.

Với đầu ra bấp bênh như hiện nay, một số hộ nuôi ngao đã chuyển sang nuôi hàu lệ. Như gia đình anh Thắng (thôn Vĩnh Phong, xã Hộ Độ) trước đây nuôi 3 ha ngao trắng nhưng nhận thấy giá ngao giảm mạnh, đầu ra kém, nguy cơ thua lỗ nếu đầu tư nhiều nên vụ vừa rồi, gia đình anh đã chuyển đổi 2 ha sang nuôi hàu lệ và chỉ để lại 1 ha nuôi ngao trắng.

Anh Thắng chia sẻ: “Mặc dù thời gian nuôi hàu gấp đôi nuôi ngao trắng, phải gần 1 năm mới cho thu hoạch nhưng rủi ro ít hơn, giá thành cao gấp 3-4 lần, được thương lái và người mua ưa chuộng. Cũng theo anh Thắng, hiện nay, tại vùng nuôi trồng thủy sản Liên Xuân (Hộ Độ) đang có rất nhiều hộ chuyển sang đầu tư nuôi hàu. Với hình thức nuôi song song 2 loại này, người nuôi cảm thấy an tâm hơn nếu xảy ra rủi ro.

Trước những khó khăn đặt ra cho người nuôi ngao, thiết nghĩ, địa phương cần có chiến lược đầu tư gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, tổ chức kết nối doanh nghiệp với người dân để tìm đầu ra cho sản phẩm. Mặt khác, để nâng cao giá trị sản phẩm, địa phương cần chú trọng phát triển và xây dựng thương hiệu cho ngao, từ đó tìm kiếm đầu ra ổn định, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Theo Phan Trâm - Thu Phương/baohatinh.vn