Bộ tiêu chuẩn Đông Nam Á: “Chìa khóa” thành công cho người nuôi tôm
- Thứ sáu - 10/10/2014 11:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thống nhất thị trường
Năm 2009, Liên đoàn thủy sản ASEAN được thành lập, hướng đến việc thống nhất thị trường vào năm 2015. Ngay từ đầu năm nay, các nước cùng tham gia dự thảo tiêu chuẩn tôm nuôi dự kiến áp dụng từ đầu năm 2015. Dự thảo ra đời nhằm giảm bớt gánh nặng cho người nuôi tôm, bởi hiện nay, người dân đang phải áp dụng tới 30 loại tiêu chuẩn, khiến việc đầu tư phát triển sản xuất gặp nhiều trở ngại và chi phí đầu tư cũng rất tốn kém.
Theo thống nhất ban đầu, Việt Nam sẽ điều phối lĩnh vực sản xuất và công nghệ, Thái Lan chuyên trách về vệ sinh an toàn thực phẩm và marketing, Myanma tập trung khâu nguyên liệu; Indonesia, Philippines và Malaysia về dịch vụ hậu cần. Trước mắt sự phân công này là hợp lý bởi Việt Nam cho thấy sự nhạy bén trong công nghệ thể hiện qua việc tập trung nguồn lực khống chế được dịch bệnh tôm chết sớm rất thành công. Trong khi đó Thái Lan cho thấy họ vẫn làm rất tốt việc phát triển thương hiệu; còn Indonesia vẫn tiếp tục theo đuổi dự án “Những cánh đồng mẫu lớn” với sản lượng rất cao.
Và một bộ tiêu chuẩn chung
Ngành thủy sản ASEAN đã lấy khẩu hiệu chung: “Thủy sản bền vững cho thế giới”, và đây được xem là tiêu chí của ngành. Nhu cầu tiêu thụ thủy sản ngày càng tăng; diện tích nuôi trồng, chế biến ngày càng lớn; nhưng các nước ASEAN cũng phải cảnh giác với những hậu quả của quá trình phát triển quá nóng, khai thác cạn kiệt tài nguyên tôm và ô nhiễm vùng nuôi.
Hai vấn đề được các nhà quản lý và khoa học đặt ra với ngành tôm và sản xuất thủy sản nói chung của ASEAN: tính pháp lý và sự can thiệp của nhà nước. Bộ tiêu chuẩn về nuôi và xuất khẩu tôm của ASEAN chắc chắn sẽ được đưa ra nhưng tính pháp lý đến đâu? Nó có buộc các thành viên phải thực hiện triệt để hay chỉ là những biện pháp không bắt buộc, trong khi điều kiện và trình độ kinh tế của các thành viên không đồng đều và dĩ nhiên có cả sự cạnh tranh nội bộ trong xuất khẩu, tiêu thụ.
Mặt khác, để thực hiện một chương trình nuôi tôm tổng thể của khu vực, nguồn lực tài chính sẽ được hình thành và điều tiết ra sao, để đảm bảo sự tự do của thị trường? Nhưng cũng cần sự đầu tư ban đầu của các chính phủ. Nếu không, các tiêu chuẩn và chính sách đưa ra sẽ chỉ nằm trên giấy.
Liên kết chặt chẽ
Qua các hội thảo và triển lãm thủy sản những năm gần đây đều thấy sự liên kết giữa các nước ASEAN không nhiều, xu hướng chính của các quốc gia vẫn là liên kết với bên ngoài. Trong một số phát biểu trong hội thảo, đại diện Indonesia kêu gọi đầu tư nuôi tôm trên biển; Philippines đề nghị phát triển sản phẩm rong biển; Myanmar rất cần nguồn vốn lớn để vực dậy ngành thủy sản đình trệ, cả trong đất liền và ngoài khơi. Tuy vậy, sự hợp tác của các quốc gia trong khu vực rất hạn chế. Các nước phát triển chủ yếu chỉ đầu tư đầu vào (giống, thuốc, thức ăn); trong khi đó việc chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ nuôi trồng và nhân lực ngành tôm chỉ có thể xuất phát từ các nước trong khu vực, với truyền thống nuôi tôm của mình.
Ban chỉ đạo tiêu chuẩn tôm ASEAN hy vọng Bộ Tiêu chuẩn sẽ được đưa đến rộng rãi người nuôi tôm trong khu vực, nhận được sự góp ý, đồng thuận cao nhất. Ý kiến các hội nông dân, các trang trại cũng như nhà sản xuất, sẽ giúp các tiêu chuẩn sát thực tế hơn.
Người nuôi tôm trong khu vực đang chờ đợi và hy vọng vào một bộ quy chuẩn phù hợp điều kiện nuôi trồng tôm vốn đa dạng và những điều kiện sản xuất khác nhau, nhằm tạo sự đồng thuận và sức mạnh đoàn kết của nông dân trong khu vực; tạo ra một vùng nuôi, chế biến, xuất khẩu có uy tín hơn nữa.
>> Nhìn chung, nếu so với Trung Quốc thì môi trường sản xuất tôm ASEAN bền vững hơn nhiều, nhưng các nước trong khu vực đang phải đối phó với biến đổi khí hậu và việc nghiên cứu những ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu cũng được đặt ra. |