Bước ngoặt của sản phẩm chăn nuôi

Bước ngoặt của sản phẩm chăn nuôi
Ngày 9/9, container thịt gà sạch Việt Nam đã được bốc xếp lên tàu đi Nhật bản tại cảng quốc tế Long An, chính thức đánh dấu việc thịt gà sạch Việt được xuất khẩu qua thị trường này. Hoạt động này đã ghi nhận một bước chuyển mình lớn của sản phẩm chăn nuôi Việt.

Gian nan

Quá trình chuẩn bị cho lô gà đầu tiên xuất khẩu chính thức sang Nhật mất khoảng 3 năm để hình thành chuỗi liên kết gồm: Công ty Bel Gà (Bỉ) cung cấp con giống, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) cung cấp thức ăn, Tập đoàn Hùng Nhơn (đại diện các trang trại nuôi gà đạt chuẩn) và Công ty TNHH Koyu & Unitek (Nhật) thu mua, giết mổ và chế biến xuất khẩu. Sản phẩm xuất khẩu sang Nhật là thịt gà công nghiệp đã qua chế biến (xử lý nhiệt) thành nhiều món, nướng hoặc chiên trong 5 phút là có thể dùng.

gian nan gia chan nuoi
Chế biến gà tại Công ty Koyu & Unitek     Ảnh: Nguyễn Vi

 

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, cho biết để xuất khẩu được lô thịt gà đầu tiên, các trang trại đã chuẩn bị từ 10 - 20 năm bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế. Chuỗi liên kết thịt gà dự kiến xuất khẩu 300 - 360 tấn/tháng.

Một doanh nghiệp Nhật trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến gà sạch vẫn phải mất nhiều năm mới xuất khẩu được thịt gà về Nhật, ông Muneyuki Todaka, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Koyu & Unitek, giải thích do Việt Nam - Nhật chưa ký kết thỏa thuận xuất khẩu sản phẩm gia cầm. Hơn nữa, Nhật Bản là thị trường khó tính, tiêu chuẩn khắt khe. Trước tiên, công ty phải đạt các tiêu chuẩn của Việt Nam cho quy trình từ trang trại chăn nuôi đến nhà máy chế biến, sau đó theo tiêu chuẩn Nhật nên mất nhiều thời gian.

Nhìn lại, ngành chăn nuôi gà công nghiệp của Việt Nam mỗi năm sản xuất khoảng 150 triệu con, mỗi con có trọng lượng trung bình 2,5 kg, nếu tính giá thành 24.500 đồng/kg (gà lông) thì chí ít cũng có giá trị gần nửa tỷ USD.

Dù giá trị lớn như vậy, nhưng lâu nay chúng ta nuôi gà chỉ theo dạng “tự sản tự tiêu”. Sở dĩ gà nội không thể xuất khẩu được là do chưa được quan tâm đúng mức. Liệu có vô lý và thiếu công bằng khi thủ tục xuất khẩu gà đi khó vạn lần cho nhập? Người chăn nuôi chưa tiếp cận vốn cho chăn nuôi. Các chính sách đất đai, hỗ trợ con giống, thức ăn, công nghệ, kỹ thuật cũng… khiêm tốn, khiến giá thành không thể cạnh tranh. Ngoài ra, các chính sách bảo hộ thương mại, hàng rào kỹ thuật lại càng lỏng lẻo khi hàng năm chúng ta vẫn hào phóng mở cửa cho nhập khẩu ồ ạt lượng lớn thịt ngoại tràn ngập Việt Nam.

 

Tương lai rộng mở

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp mỗi năm xuất khẩu trên 30 tỷ USD, trong đó 10 ngành hàng chủ lực đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD nhưng sản phẩm chăn nuôi lại vắng bóng. Đây là trăn trở lớn khi chăn nuôi tăng mạnh trong thời gian qua. Hiện cả nước có khoảng 30 triệu con heo, 300 triệu con gia cầm, nửa triệu bò sữa… vượt nhu cầu tiêu dùng trong nước nhưng chỉ xuất khẩu được một lượng nhỏ qua đường tiểu ngạch. Sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu phải đáp ứng yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật và nhất là cạnh tranh về giá.

Bộ trưởng cho rằng Việt Nam phải nhập khẩu giống gà. Do đó, sự kiện Việt Nam có lô gà xuất khẩu thành công sang Nhật khẳng định ngành chăn nuôi có thể làm ra sản phẩm sạch và giá cạnh tranh

Ông Vũ Mạnh Hùng cho biết, Công ty dự kiến mỗi tháng xuất khẩu khoảng 360 tấn gà đi Nhật, đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm đạt khối lượng 2.000 tấn. Mặc dù, chi phí đầu tư để xuất khẩu thành công thịt gà sang Nhật cao gấp 3 lần bán trong nước, nhưng lợi nhuận sẽ tăng thêm khoảng 20%. Trong thời gian tới, doanh nghiệp cũng sẽ xuất khẩu thịt heo đi Hà Lan. Khối lượng heo dự kiến xuất khẩu đạt khoảng 10.000 tấn/năm.

Ông Nguyễn Quang Toản, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT), cho biết, việc xuất khẩu thành công thịt gà sang Nhật Bản chứng tỏ trình độ tổ chức sản xuất, khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường của nền chăn nuôi trong nước.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, ý nghĩa của sự kiện không phải ở giá trị một container mà là mở ra một triển vọng. Thị trường khó tính nhất còn vào được thì không sợ thị trường nào không vào được. “Những việc khó như thế này, nếu chúng ta đồng hành, chung tay kiến tạo ở giai đoạn hội nhập thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua”, Bộ trưởng chia sẻ.

Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Công ty De Heus châu Á: “Đây là sự kiện đáng tự hào vì lâu nay nhiều người nghĩ hàng Việt Nam không thể cạnh tranh được với các nước trên thế giới. Một khi chất lượng được Nhật Bản chấp nhận, thì bất kỳ nước nào sản phẩm của Việt Nam cũng tiếp cận được. Từ đây, người chăn nuôi hoàn toàn tự tin để tạo ra sản phẩm sạch cho người dùng trong nước và thế giới”.

Nguồn: nguoichannuoi.vn