Bưởi da xanh Việt Nam "rộng đường" xuất khẩu
- Thứ năm - 29/03/2018 03:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo báo điện tử VTV, thị trường bưởi da xanh xuất khẩu sang châu Âu bắt đầu được xây dựng từ năm 2004, mãi đến năm 2007 mới tìm được đối tác bên Đức và xuất khẩu container đầu tiên, dần dần, thị trường được mở rộng sang các nước khác.
Trong năm 2017, nước ta xuất khẩu hơn 10.000 tấn bưởi, tăng gấp hai lần so với năm 2016. Xuất khẩu bưởi cũng ghi nhận bước tiến vượt bậc khi loại trái cây đặc sản này có mặt ở hầu hết thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Canada và các nước Trung Đông, Saudi Arabia. Đồng thời, nhiều thị trường tiềm năng có thể xuất khẩu như: Singapore, Nhật Bản , Nga, ...
Do là loại trái cây đứng trong tốp đầu có giá trị cao nên những năm gần đây bưởi da xanh được xem là “Nữ hoàng trái cây miền Tây Nam bộ”. Hiện tại, bưởi da xanh được các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu với giá rất cao, từ 50.000 – 60.000 đồng/kg. Với giá này, nhà vườn có thể thu về tiền tỉ/ha…
Theo TTXVN, tỉnh Bến Tre có diện tích trồng cây ăn trái 27.500 ha với nhiều chủng loại cây ăn trái nổi tiếng ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó bưởi da xanh được đưa vào nhóm cây ăn quả chất lượng cao, có tiềm năng và lợi thế thị trường trong và ngoài nước với 7.200 ha. Trong đó diện tích đã và đang cho trái 4.800 ha, năng suất 11,4 tấn/ha, sản lượng 57.000 tấn/năm và bình quân cho thu nhập từ 400-500 triệu đồng/ha/năm.
Tỉnh Bến Tre cũng có 3 tổ hợp tác và hợp tác xã chuyên canh bưởi da xanh đạt chuẩn xuất khẩu, với sản lượng gần 500 tấn. Hiện bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlolGAP được doanh nghiệp thu mua cao hơn thị trường 5.000 đồng/kg.
Ông Đàm Văn Hưng - chủ cơ sở Hương Miền Tây, doanh nghiệp xuất khẩu bưởi da xanh hàng đầu tỉnh Bến Tre cho biết: "Có rất nhiều đối tác để xuất khẩu, nhu cầu mỗi năm trên 1.500 tấn mà địa phương chưa đáp ứng được".
Theo ông Nguyễn Văn Nam, Chi cục trưởng, Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, bưởi da xanh là cây trồng có nhiều ưu thế để phát triển tại Bến Tre. Ngoài ra, Bến Tre có nhiều cơ sở cung cấp giống bưởi da xanh chất lượng cao và nông dân có thể điều chỉnh cho cây ra hoa và cho trái rải vụ quanh năm phục vụ cho thị trường tiêu dùng. Đây là lợi thế vượt trội mà không phải địa phương nào cũng có được.
Theo các doanh nghiệp tiêu thụ bưởi da xanh, bưởi da xanh ở tỉnh Bến Tre có chất lượng vượt trội hơn các giống bưởi khác, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng bưởi, cây bưởi da xanh đang có tiềm năng phát triển ở Bến Tre. Ngoài ra, nhu cầu thị trường về bưởi tươi tăng cao trong những năm gần đây cả trong và ngòai nước do những đặc tính và công dụng tốt của trái bưởi lên sức khỏe con người.
Tuy nhiên, do diện tích nhỏ lẻ, manh mún, vấn đề giống và quy trình chăm sóc không đồng nhất đang là mối lo ngại cho các nhà doanh nghiệp xuất khẩu. Vì không có vùng nguyên liệu tập trung nên bưởi có chất lượng tốt thường không nhiều, khó thu mua với số lượng lớn. Sản lượng bưởi đạt chuẩn chất lượng VietGAP và GlobalGAP chưa nhiều, diện tích nhỏ nên chưa ổn định được nguồn sản phẩm và sự đồng đều về chất lượng khi khách hàng yêu cầu.
Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Phan Thị Thu Sương chia sẻ, cây bưởi da xanh có giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và thị trường tiêu thụ rộng mở là cơ hội chúng ta khai thác được cơ hội sẵn có nhưng với điều kiện là người sản xuất và các tổ chức sản xuất như: Tổ hợp tác, hợp tác xã và nhà doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ với nhau giúp cho chuỗi giá trị phát triển bền vững, chú trọng đến chất lượng sản phẩm, chung tay bảo vệ thương hiệu bưởi da xanh Bến Tre trên các thị trường. Như vậy mới mang lại kết quả tốt nhất cho người dân trồng bưởi và cả doanh nghiệp.
Theo bà Sương, trong thời gian tới, các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ người dân ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến để đạt chất lượng trái cao, đồng đều theo hướng an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường nội tiêu và xuất khẩu. Cùng với đó, mở rộng diện tích áp dụng quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (GAP) vì đây là điều cốt lõi để nâng cao chất lượng sản phẩm và khẳng định vị thế của sản phẩm không chỉ phục vụ thị trường xuất khẩu mà cả thị trường trong nước.
Mặt khác, khuyến cáo người dân tham gia tham gia vào tổ hợp tác sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh trồng bưởi da xanh, sản xuất theo nhu cầu thị trường, nhằm khắc phục qui mô nhỏ lẻ như hiện nay. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP và từng bước định hướng sản xuất theo hướng hữu cơ, nhằm đưa thương hiệu da xanh Bến Tre ngày càng vươn xa.