Cà phê xuất nhiều, lợi nhuận ít
- Thứ hai - 11/03/2013 04:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chủ yếu xuất thô
|
Trong vài chục năm gần đây, ngành cà phê VN đã tiến một bước dài, vươn lên đứng thứ hai thế giới về sản lượng xuất khẩu (XK), đứng thứ nhất về XK cà phê vối. Ông Nguyễn Văn Hòa, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết lượng XK năm 2012 của cà phê VN đã đạt gần 1,7 triệu tấn, giá trị kim ngạch đạt 3,74 tỉ USD. Cà phê tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động, nguồn nuôi sống cho hơn 560.000 hộ gia đình; người nông dân nhận được 95% giá cà phê nhân XK...
Tuy nhiên, giá trị gia tăng mà người sản xuất cà phê ở VN nhận được còn quá thấp. Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - ca cao VN, cho rằng những khó khăn chính làm giảm giá trị gia tăng của cà phê VN là do chất lượng cà phê XK chưa ổn định, phần lớn sản lượng XK chưa qua chế biến sâu, chưa phát triển các sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng cao… Vì vậy, VN có nguy cơ mất ngôi vị hàng đầu về XK cà phê do diện tích cà phê già cỗi, năng suất kém ngày càng tăng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Công ty cà phê Biên Hòa, lý giải: “Giá trị XK của cà phê VN còn thấp do chủ yếu XK ở dạng nguyên liệu thô. Khi bán 1 kg cà phê nhân, chúng ta có khoảng 2 USD, tương đương giá trung bình 1 ly cà phê ở các nước nhập khẩu, trong khi mỗi ký cà phê nhân có thể pha được 50 ly cà phê. Về khối lượng, cà phê VN chiếm 20% thị phần, nhưng về giá trị chỉ được khoảng 2% thị phần cà phê thế giới”.
Hiến kế gia tăng giá trị
Ông Lương Văn Tự dẫn câu chuyện Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi (Đắk Lắk) quy định thu hái cà phê đến 98% quả chín, áp dụng công nghệ chế biến ướt đã đưa giá XK sản phẩm cao hơn 200 USD/tấn so với giá bình quân trên thị trường và cho rằng đây là điều đáng suy nghĩ cho các doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị cho cà phê ngay từ khâu sản xuất.
|
Cũng ở góc độ sản xuất, tiến sĩ Trương Hồng, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên (WASI), chia sẻ kết quả nghiên cứu cho thấy việc áp dụng giải pháp quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) có thể giảm chi phí sản xuất, qua đó nâng cao giá trị cho cà phê. Theo ông Hồng, qua khảo sát, hơn 50% số hộ nông dân ở Tây nguyên bón thừa phân so với khuyến cáo, dẫn đến chi phí tăng. Nếu quản lý tốt việc bón phân chỉ trên 30% diện tích cà phê ở Tây nguyên đã tiết kiệm được 351 tỉ đồng, tương đương 16,7 triệu USD. Ngay cả chi phí tưới nước của nông dân cũng cao hơn 32% so với mức được khuyến cáo.
Phát triển cà phê bền vững, có chứng nhận (như 4C, Utz Certified, Rainforest Alliance, Fairtrade…) cũng là giải pháp được nhiều đại biểu đề nghị, nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm cà phê XK. Theo bà Trần Thị Minh Huệ, cán bộ WASI, cà phê có chứng nhận ở VN mới chiếm 30% tổng sản lượng; trong khi đó, mỗi tấn cà phê có chứng nhận được các nhà nhập khẩu trả một mức ưu đãi thêm từ 30-60 USD cho cà phê robusta (cà phê vối) và 150-180 USD cho cà phê arabica (cà phê chè)...
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh việc nâng cao giá trị gia tăng là định hướng quan trọng cho cà phê VN. “Bộ NN-PTNT sẽ xúc tiến thành lập Ban điều phối ngành hàng cà phê; triển khai nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cà phê, trong đó tập trung mở rộng diện tích cà phê theo tiêu chuẩn bền vững...”, ông Phát cho biết.
TNO