Các đại gia trong ngành chăn nuôi điêu đứng vì hàng trăm tỷ lợi nhuận "bốc hơi" theo giá heo

Dù bị tổn thất nặng nề do giá heo giảm nhưng nhìn chung, mắt xích yếu nhất thuộc về người chăn nuôi còn các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn khỏe với lãi gộp trên 20%, trong khi các DN kinh doanh sản phẩm đầu cuối thì hưởng lợi lớn khi giá heo giảm mạnh.
Các đại gia trong ngành chăn nuôi điêu đứng vì hàng trăm tỷ lợi nhuận "bốc hơi" theo giá heo

Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), trong 6 tháng đầu năm, giá bán heo đã giảm tới 62% so với mức bình quân năm 2016. Mặc dù số đàn heo trên toàn quốc đã giảm gần 4% nhưng sản lượng thịt vẫn tăng 3%, đạt trên 2,2 triệu tấn heo.

 

Nguyên nhân là do giá heo giảm mạnh và kéo dài khiến nhiều hộ chăn nuôi và kể cả các chủ trại lớn không cầm cự nổi nên phải bán cả heo nái, thậm chí là heo sơ sinh để giảm lỗ. Theo đó, tổng đàn heo cả nước đã giảm khá mạnh trong quý II năm nay.

 

Theo đánh giá của giới chức trong ngành, dù chưa có những thống kê đầy đủ về những khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng nhìn tổng thể, không chỉ có người chăn nuôi mà nhiều doanh nghiệp liên quan đến hoạt động chăn nuôi như đơn vị cung cấp heo giống và thức ăn chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng lớn do lượng hàng bán ra giảm.

 

Cũng giống như người chăn nuôi khác, không nằm ngoài tình hình chung của việc giá lợn giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm đã khiến cho Công ty cổ phần Chăn nuôi - Mitraco (HNX: MLS) – Doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh lợn giống, chăn nuôi lợn siêu nạc chịu tổn thất nghiêm trọng.

 

Chăn nuôi - Mitraco cho biết, do giá bán bình quân lợn thương phẩm quý II/2017 giảm 56,2% so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể là giá bán bình quân sản phẩm lợn thương phẩm, lợn giống thương phẩm và lợn giống hậu bị trong quý II năm nay chỉ bằng 60-65% so với giá thành sản xuất. Trong khi đó, cơ cấu tỷ trọng doanh thu từ sản phẩm này chiếm đến 77% doanh thu của Công ty khiến cho tình hình trở nên nghiêm trọng.

 

6 tháng đầu năm, doanh thu của Chăn nuôi - Mitraco giảm 34% so với cùng kỳ năm trước và ghi nhận mức lỗ ròng 29,7 tỷ đồng. Với mức lỗ trên, xem như 2 năm ‘cày cuốc’ của Chăn nuôi - Mitraco trở thành công cốc. Đáng ngại hơn, việc thua lỗ lớn cũng kèm theo các khoản nợ phải trả của DN này tăng lên hơn gấp đôi so với năm trước.

 

 

[Nội bộ] Mời QC trong bài viết _ 666x90
 

 

 

Trong khi đó, một ông lớn trong ngành chăn nuôi tại Phía Bắc là CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) cũng cho thấy hoạt động kinh doanh không mấy khá hơn so với DN chăn nuôi đơn thuần dù có chuỗi kinh doanh khép kín từ thức ăn, chăn nuôi cho đến chế biến.

 

Báo cáo của DBC cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, doanh số từ thức ăn chăn nuôi giảm đến 16,5% so với cùng kỳ năm trước, doanh số từ bán con giống giảm nhẹ còn doanh thu từ nuôi gia công và chế biến thực phẩm giảm đến hơn 27% so với cùng kỳ năm trước.

 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy mặc dù doanh thu thức ăn chăn nuôi giảm nhưng lãi gộp từ hoạt động này lại tăng lên mức 410 tỷ đồng so với mức 375 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, tương đương với tỷ suất lợi nhuận gộp tăng lên mức 27,3% so với mức 21,9% cùng kỳ.

 

Trong khi đó, hoạt động bán con giống và nuôi gia công - chế biến thực phẩm kinh doanh dưới giá vốn và chịu mức lỗ gộp 154 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm trước, 2 mảng kinh doanh này giúp Dabaco thu về hơn 100 tỷ đồng lãi gộp.

 

Theo đó, doanh thu của Dabaco chỉ giảm 11% so với cùng kỳ năm nhưng lỗ ròng gần 20 tỷ đồng. Một thực tế rất đáng buồn so với mức lãi 262 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đây cũng là lần đầu tiên trong chục năm qua, Dabaco chấp nhận báo lỗ sau nửa năm hoạt động.

 

DN sản xuất thức ăn chăn nuôi dù chịu tổn thất không nhỏ nhưng vẫn có mức lãi gộp khá cao
DN sản xuất thức ăn chăn nuôi dù chịu tổn thất không nhỏ nhưng vẫn có mức lãi gộp khá cao

 

Về mảng thức ăn chăn nuôi, Tập đoàn Masan - Masan Group (MSN) mới đây cũng cho biết, hoạt động kinh doanh của công ty con là Công ty Cổ phần Masan Nutri-Science (MNS) - Công ty mẹ của 2 thương hiệu thức ăn chăn nuôi là Anco và Proconco bị ảnh hưởng nặng nề do giá heo hơi giảm thấp nhất trong lịch sử.

 

Masan Nutri-Science (MNS) cho biết, thị trường thức ăn chăn nuôi heo đã giảm 35-40% do người chăn nuôi có quy mô nhỏ phải treo chuồng, ngưng chăn nuôi và không có đầu tư gì nhiều cho chu kỳ chăn nuôi tiếp theo. Doanh thu thuần của MNS trong sáu tháng đầu năm 2017 giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2016, lợi nhuận thuần của mảng này giảm đến 51,5% so với cùng kỳ năm trước.

 

Dù bị tổn thất nặng nề do giá heo giảm nhưng so với mức lỗ của các hộ chăn nuôi thì các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi như Masan Nutri-Science hay mảng thức ăn của Dabaco vẫn cho thấy mức lãi gộp ở mức trên 20%.

 

 

Trong khi đó, Vissan – DN kinh doanh sản phẩm đầu cuối từ khâu giết mổ, chế biến, đóng gói và phân phối sản phẩm ra thị trường thì được lợi rất nhiều trong bối cảnh giá thịt heo giảm. Báo cáo quý II của Vissan cho thấy, tỷ suất lợi nhuận gộp của Vissan đã tăng vọt lên mức 25% so với mức 17% cùng kỳ năm trước. Theo đó, dù doanh thu 6 tháng đầu năm của Vissan chỉ tăng 2% nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 72,8 tỷ đồng.

Theo: Huy Nguyên 

Nguồn: Tri Thức Trẻ