Cải tổ chuỗi cung ứng để gia tăng giá trị gạo xuất khẩu
- Thứ năm - 22/05/2014 00:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngân hàng HSBC vừa có báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam, trong đó có nhận định: Ngành xuất khẩu của Việt Nam bị mắc kẹt ở chuỗi giá trị thấp hơn với những sản phẩm xuất khẩu là gạo, cà phê robusta, dầu thô, dệt may hay phụ tùng điện tử. Các sản phẩm nông nghiệp cũng đa phần là những sản phẩm thô hơn là những mặt hàng đã qua chế biến buộc những người nông dân phải cạnh tranh về số lượng.
Thu hoạch lúa ở An Giang, nơi cung cấp lượng lớn gạo cho xuất khẩu hằng năm (Ảnh: Nhanong) |
Theo đánh giá của HSBC, quá trình vận chuyển, thủ tục thương mại cồng kềnh và tổ chức chuỗi cung ứng không hiệu quả là những lý do chính khiến Việt Nam bị mắc kẹt ở những sản phẩm giá trị thấp.
Lấy sản phẩm gạo là một ví dụ cho vấn đề về chuỗi cung ứng, HSBC cho rằng, gạo là một trong số những những sản phẩm xuất khẩu tốt nhất của Việt Nam, nhưng đây là sản phẩm có giá trị gia tăng thấp. Để thay đổi thực trạng này, cần một quá trình cải tổ lại chuỗi cung ứng hiện tại để khích lệ sản xuất chất lượng và thêm nhiều giá trị hơn. Vì gạo là một ví dụ về việc tổ chức lại chuỗi cung ứng có thể gia tăng giá trị xuất khẩu, giảm bớt nhu cầu phải tăng sản lượng.
HSBC phân tích: Trong năm 2013, Việt Nam đã thu được 3 tỷ USD về gạo trên toàn cầu, đa phần là cho các nước châu Á. Các hợp đồng giữa Chính phủ và Chính phủ (G2G) là chủ yếu. Hầu hết lượng gạo được bán là gạo tấm. Một vài loại gạo có giá trị cao hơn được xuất khẩu thông qua kênh này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ về tổng kim ngạch xuất khẩu trong khi quá trình sản xuất, gia công, tiếp thị, giới thiệu và phân phối còn là những thách thức.
Năm 2014, Việt Nam sẽ đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, kết quả giao hàng xuất khẩu gạo của Việt Nam từ ngày 1/1 đến ngày 15/5/2014 đạt 1,932 triệu tấn, trị giá FOB 845,376 triệu USD, trị giá CIF 892,466 triệu USD.
Còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính, hết tháng 4/2014, lượng gạo xuất khẩu đạt 2,04 triệu tấn với trị giá 931 triệu USD, giảm 6,9% về khối lượng, và giảm 4,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) dự báo: Năm 2014, Việt Nam sẽ đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo, với 7,2 triệu tấn.
Ở Việt Nam, đa phần việc sản xuất gạo đều diễn ra ở những cánh đồng nhỏ. Các nông dân có quy mô nhỏ sẽ bán lúa cho những người thu mua và họ sẽ vận chuyển lúa này đến các nhà máy xay xát cỡ trung để phơi khô lúa và loại bỏ trấu. Những người xuất khẩu sẽ mua gạo (thông thường với số lượng lớn vì đó là những hợp đồng giữa Chính phủ và Chính phủ) từ những nhà máy lớn và trộn loại gạo này với loại gạo từ những nhà mày cỡ trung, đánh bóng gạo và rồi xuất khẩu đi nước ngoài.
Bởi vì những nhà máy nhỏ hơn có công nghệ lâu đời hơn và họ không phân biệt được chất lượng lúa, một vài thất thoát cả về mặt vật chất lẫn giá trị.
Dẫn một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, HSBC cho biết, thất thoát hư hỏng gạo có thể chiếm khoảng 11%. Trong khi đó, nếu giới thiệu một quy trình để phân biệt lúa theo loại và chất lượng có thể giúp những người nông dân sản xuất gạo với chất lượng cao hơn. Cải thiện quy trình phơi khô và chà xát cũng sẽ giảm bớt những thất thoát.
Hiện tại, Việt Nam đang mở rộng các liên kết của người nuôi trồng. Điều này cũng sẽ giúp gia tăng việc sử dụng phương pháp trồng trọt, giảm bớt hai bước xay xát, thiết lập nhiều kho bãi và đầu tư vào kỹ thuật phơi khô và chế biến hiện đại hơn. Trong quá trình lâu dài, điều này cũng sẽ làm tăng thị phần xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam.
Từ phân tích như vậy, HSBC cho rằng, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng đơn giản có thể khuyến khích hoạt động sản xuất loại gạo giá trị cao hơn./.
Xuân Thân/VOV online