Cần gói tín dụng cho nông nghiệp sạch

Gói tín dụng 50.000 - 60.000 tỷ đồng không phải chỉ NHNN hay các NHTM, mà còn cần phải có các bộ, ngành tham gia từ định hướng đến quy chuẩn, điều kiện và sau đó là cho vay thế nào.
Ông Nguyễn Đức Hưởng

Tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ quyết định dành một gói tín dụng lên tới 50 - 60 nghìn tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất.

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, Phó Chủ tịch thường trực LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng cho rằng đây là giải pháp kích thích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới sản xuất sạch, thực phẩm sạch. Qua đó, đáp ứng những nhu cầu, mong muốn của người dân trước tình trạng ô nhiễm môi trường và thực phẩm bẩn.

Theo ông, lãi suất gói tín dụng này sẽ ở mức nào là phù hợp để đảm bảo hài hoà lợi ích khách hàng với NH?

Thông điệp của Thủ tướng đưa ra nhằm giải quyết những bức xúc xã hội, bảo vệ con người. Nhưng thông điệp của Thủ tướng phải biến thành hành động của từng bộ, ngành, giải quyết các nút thắt về nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch... thì mới thành hiện thực được. Vì đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao theo chuẩn mực quốc tế, chi phí ban đầu rất lớn nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ thì mới đảm bảo các dự án thành công. Tôi cho rằng cần phải có vốn ngân sách hỗ trợ ít nhất 50% lãi suất vay thị trường thì nhà đầu tư mới dám bỏ vốn và đầu tư mới có lãi được.

Làm thế nào để gói tín dụng đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, thúc đẩy phát triển được nông nghiệp công nghệ cao?

Để biến thông điệp này thành hiện thực, tôi nghĩ rằng cần thời gian dài. Vì hiện nay, chúng ta chưa có bộ, ngành nào ban hành quy chuẩn thế nào là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Gói tín dụng 50.000 - 60.000 tỷ đồng không phải chỉ NHNN hay các NHTM, mà còn cần phải có các bộ, ngành tham gia từ định hướng đến quy chuẩn, điều kiện và sau đó là cho vay thế nào.

Có hai hướng để triển khai gói tín dụng này. Một là, chúng ta phải “xếp hàng ngay ngắn rồi mới chạy”; Hai là, “vừa chạy vừa xếp hàng”. Tôi nghĩ rằng, trong điều kiện kinh tế, và nhu cầu cũng như mong muốn của người tiêu dùng hiện nay, chúng ta phải vừa chạy vừa xếp hàng thì mới hiệu quả được mà không nên chờ phải đầy đủ quy trình bài bản mới làm. Vì nếu chờ được quy trình bài bản tôi nghĩ rằng cũng phải mất 1 năm. Mặc dù, đây không phải vấn đề mới nhưng nó lại đang trở nên rất nóng.

Nếu chúng ta cùng bắt tay, mỗi NH, tổ chức đóng góp một phần nhỏ thì chúng ta có thể không nhất thiết phải chờ một gói bài bản 60 nghìn tỷ đồng để thực hiện thông điệp của Thủ tướng.

Và đây là lý do LienVietPostBank tiên phong đưa ra gói 10 nghìn tỷ đồng cho chương trình này?

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời trong khi chờ các bộ, ngành có các tiêu chí cụ thể về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Bộ Tài chính và NHNN bố trí vốn, LienVietPostBank quyết định dành gói tín dụng 10 nghìn  tỷ đồng với các ưu đãi về lãi suất (thấp hơn lãi suất thị trường 0,5-1%/năm), thời hạn vay vốn đến 10 năm tuỳ thuộc từng loại cây trồng, ân hạn đến 5 năm.

Ngoài ra, NH còn hỗ trợ tiền tư vấn kỹ thuật công nghệ cao cho các hộ nông dân vay vốn với các ưu đãi phù hợp khác. Còn tại sao LienVietPostBank hưởng ứng được ngay lập tức là vì chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc tài trợ phát triển mắc ca và tái canh cây cà phê, rau sạch ở Tây Nguyên. 5 năm tới LienVietPostBank có thể giải ngân ít nhất 10 nghìn tỷ đồng cho gói tín dụng ưu đãi này.

Đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để chúng tôi đi sâu vào thị trường này hơn, đảm bảo hiệu quả lâu dài cho hoạt động tín dụng và góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển và ngăn chặn nạn thực phẩm bẩn.

Xin cảm ơn ông!