Cao su tăng giá: Ồ ạt tăng diện tích, liệu có ổn?
- Thứ ba - 13/06/2017 22:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cơn khủng hoảng giá của hồ tiêu hiện nay chính là “bài học nhãn tiền” nhất cho người trồng cao su. Kể từ tháng 1/2017 đến nay, giá hồ tiêu liên tục “lao dốc” xuống mức kỷ lục kể từ năm 2010. Nguyên nhân, theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) là do khi giá tăng, người dân ồ ạt tăng diện tích, khiến cung vượt cầu.
Ồ ạt tái canh, cây giống “sốt giá”
Số liệu mới nhất từ Bộ NN&PTNT cho biết, khối lượng xuất khẩu (XK) cao su Việt Nam tháng 5/2017 ước đạt 51.000 tấn, giá trị trên 100 triệu USD, đưa khối lượng XK cao su 5 tháng đầu năm 2017 lên 353.000 tấn, đạt kim ngạch 708 triệu USD, giảm 1,5% về khối lượng nhưng tăng 61,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.Giá cao su XK bình quân 4 tháng đầu năm 2017 đạt 2.016 USD/tấn, tăng 68,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Năm 2017, Tập đoàn Cao su Việt Nam áp dụng mức giá (kế hoạch) 35 triệu đồng/tấn cho các công ty con. Theo các doanh nghiệp, mức giá trung bình năm 2017 được kỳ vọng vào khoảng 38 - 40 triệu đồng/tấn. Vào thời điểm cuối năm, giá cao su được kỳ vọng đạt mức 40 - 44 triệu đồng/tấn.
Giá mủ cao su tăng mạnh thời gian qua đã kích thích nhiều hộ nông dân tăng diện tích hay thay diện tích cao su già để trồng mới, khiến giá cây giống tăng vọt.
Ghi nhận tại huyện Chơn Thành, vùng trọng điểm sản xuất cao su giống của tỉnh Bình Phước và cả nước, đến cuối tháng 5/2017, giá cao su giống đang trên đà tăng mạnh, gấp 3 - 4 lần so với năm 2016. Các vườn ươm cây giống cũng bắt đầu quá tải, cung không đủ cầu. Nhiều vườn ươm vẫn đang tiếp tục nhận đơn hàng để ghép mới cây giống.
Cụ thể, giống cao su Stum trần có giá 7.000 - 8.000 đồng/cây, tăng 2.000 đồng. Giống cao su Stum bầu chưa có lá có giá 16.000 đồng/cây, tăng 6.000 đồng. Cao su Stum bầu 1 tầng lá giá 19.000 đồng, 2 tầng lá 25.000 đồng, tăng 8.000 đồng/cây (so với tháng 4/2017).
Theo người dân trồng cao su, mức giá cao su giống hiện nay là mức giá cao kể từ năm 2005 - 2006. Nguyên nhân là bởi nhu cầu tái canh trồng mới năm nay tăng cao. Đồng thời, nhiều hộ sản xuất giống không dự báo được nhu cầu thị trường, nên không dám đầu tư sản xuất giống sau một thời gian dài cao su giống ế ẩm, giá bán thấp nên dẫn đến cung hiện không đủ cầu, giá bán tăng vọt.
Người trồng cần thận trọng khi mở rộng diện tích vườn cao su
Thận trọng tránh rủi ro
Giá cao su bật tăng là tín hiệu đáng mừng, nhưng việc người dân chạy theo thị trường, ồ ạt tăng diện tích có thể gây ra tác dụng ngược. Theo lãnh đạo Sở BB&PTNT tỉnh Bình Phước, dự kiến từ nay đến năm 2020, diện tích quy hoạch cao su của Bình Phước sẽ đạt 250.000 ha.
Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước vừa đưa ra khuyến cáo người dân cần thận trọng khi đầu tư kinh doanh giống cây cao su, sau nhiều bài học “xương máu” từ việc chạy theo thị trường, mùa vụ dẫn đến nhiều hộ sản xuất cây giống lâm vào tình cảnh khó khăn.
“Để cung ứng cho thị trường, các cơ sở sản xuất giống cần có kế hoạch chuẩn bị, tránh việc dư thừa, gây thiệt hại về kinh tế. Đối với người nông dân, khi mua giống cao su cần thận trọng lựa chọn những loại phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu cũng như chọn mua giống ở các cơ sở uy tín, chất lượng, tránh thiệt hại”, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước nhấn mạnh.
Ông Võ Hoàng An - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), cảnh báo: “Việc ồ ạt tăng diện tích không theo quy hoạch không chỉ gây nguy cơ cung vượt cầu mà còn khiến chất lượng cao su không đồng đều, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của ngành, có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng”.
Bên cạnh những cảnh báo về việc ồ ạt tăng diện tích, những mặt trái của việc giá cao su tăng đột biến cũng rất đáng lo ngại. Hiện tượng pha trộn các tạp chất như đất, đá vào mủ cao su để tăng khối lượng đang tái bùng phát, gây khó cho các nhà máy chế biến và có thể khiến cao su Việt Nam rớt xuống hạng “ngoại lệ” vì tạp chất.
Theo thống kê của Nhà máy Chế biến mủ cao su Cam Lộ, thuộc Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, bình quân trong 20 tấn mủ cao su khô có 1 tấn tạp chất như đất, đá, thạch cao, rác… Để loại bỏ các tạp chất, ngoài thiết bị loại bỏ tạp chất, hàng ngày, nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ phải bố trí nhiều công nhân để trực tiếp phân loại tạp chất.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, tình trạng pha trộn vào mủ cao su gây giảm chất lượng mủ sau sơ chế, cao su Việt Nam có thể rớt xuống đến hạng “ngoại lệ” vì hàm lượng tro cao 4 - 10 lần so với mủ bình thường, còn chất bẩn cao hơn 2 - 4 lần và chỉ số duy trì độ dẻo (PRI) giảm 10 - 16 đối với mủ khối.
Văn Nguyễn
http://thoibaokinhdoanh.vn