Cấp tập trồng mắc ca: Giọt lệ buồn của 'cây nữ hoàng'

Nhiều cây mắc ca người dân đang trồng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ra quả rất kém, khác xa so với kỳ vọng ban đầu về loại cây này.
 
Báo Tuổi trẻ dẫn lời TS Y Ghi Niê, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Đắk Lắk cho hay: "Có những cây người dân trồng thu được không quá 3 kg quả/cây/vụ. Trong khi đó, cây mắc ca khi ra bói phải thu 3 kg và sau đó thu được từ 15 kg quả/cây/vụ mới đạt”.
 
Cũng theo ông Y Ghi Niê, hiện tỉnh Đắk Lắk có khoảng 115ha mắc ca, trong đó 61ha người dân đã có thể kinh doanh nhưng cho quả rất ít. Số còn lại hiện chưa ra hoa, quả.
 
Hiệu quả thực tế của cây mắc ca khác xa so với kỳ vọng

Thực tế này đã từng được nhiều nhà khoa học cảnh báo trước đó. GS Đinh Xuân Bá, Giám đốc Trung tâm Sinh học ứng dụng SECOIN, một nhà toán học đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu và thu thập các số liệu cơ sở của quốc tế và chứng minh có một sự hoang tưởng về các dữ liệu với loại cây này.
 
Theo đó, ông đã tính toán để xem nếu trồng 100.000 ha mắc ca thì sau 10 năm có thu nhập trung bình trong 1 năm là bao nhiêu USD.
 
GS Bá dẫn các số liệu tin cậy thì một ha trồng được 312 cây (mật độ trồng 8x4m), một số liệu khác thì một ha trồng được 416 cây (mật độ trồng 6x4m), theo nguồn báo Nhandan thì tại Tây Nguyên Việt Nam một ha trồng thí điểm có hơn 200 cây. Vậy tạm lấy con số trung bình là một ha có 300 cây mắc ca.
 
Một nguồn khác cũng đưa ra số liệu đối với một cây mắc ca, trong 4 năm đầu ta chưa thu hoạch được hạt nào. Đến năm thứ 5 thì thu hạt được 1 kg/cây, năm thứ 10 thu được 10 kg/cây.
 
"Vậy tính cả 10 năm thì thu được trung bình mỗi năm là 3,2 kg/cây, (không phải là 70 kg/cây như nhiều thông tin đã nói)", GS Bá nói thẳng.
 
Ông nhấn mạnh: "Cần phải có nhìn nhận khách quan hơn với những thông tin đưa ra từ các dự án trồng cây mắc ca để dư luận và người dân biết trước để chủ động phòng ngừa những rủi ro khi quyết định trồng cây này".
 
Ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) vào tháng 3/2015 cũng từng thẳng thắn, cây mắc ca là loại cây có tiềm năng ở nước ta, tuy nhiên, thông tin trong thời gian vừa qua nói cây trồng này là “tỷ đô” hay “nữ hoàng” là chưa có cơ sở.
 
"Có thể nghĩ đến khả năng người bán giống tự nâng giá trị của cây này  lên. Muốn đánh giá cụ thể phải trồng khảo nghiệm, trồng nhân rộng ở các vùng sinh thái khác nhau, từ đó mới có thể nhận xét chính xác về cây trồng này. Bộ mới chỉ trồng thử nghiệm, chưa đánh giá được nên không thể có chủ trương trồng mở rộng mắc ca", ông Công khẳng định.
 
An Nhiên (Báo Đất Việt tổng hợp)