Chặn đà sụt giảm xuất khẩu tôm

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tôm sáu tháng đầu năm 2015 của cả nước chỉ đạt 1,3 tỷ USD, giảm tới 28% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là sự sụt giảm đáng lo ngại, vì thông thường, cuối quý II và đầu quý III hằng năm, sức mua từ các thị trường nhập khẩu sẽ đồng loạt tăng, nhưng năm nay, sự việc lại diễn biến theo hướng ngược lại khi sức mua yếu và giá xuất khẩu liên tục giảm.
 
Ảnh minh họa

Thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam là Mỹ có mức giảm khá mạnh, tới 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường lớn thứ hai, thứ ba là Nhật Bản, ASEAN và Australia cũng giảm. Giá tôm xuất khẩu giảm kéo theo giá nguyên liệu trong nước cũng giảm từ 20 đến 30% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vật tư đầu vào nuôi tôm vẫn tăng cao, cộng với những diễn biến bất lợi về thời tiết từ đầu năm đến nay khiến dịch bệnh phát triển mạnh, tôm chết hàng loạt càng làm nản lòng các chủ đầm và ao nuôi. Vì thế, trong sáu tháng đầu năm nay, tiến độ triển khai nuôi tôm nước lợ đều không đạt kế hoạch đề ra cả về diện tích nuôi và sản lượng thu hoạch ở hầu hết các địa phương. Nguyên nhân sự suy giảm toàn diện của ngành tôm, từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu, theo VASEP là do nguồn cung tôm từ các nước trên thế giới hiện đang dư thừa trong khi nhu cầu của các nhà nhập khẩu lại co hẹp. Hơn nữa, dịch bệnh hội chứng tôm chết sớm (EMS) - vốn là dịch tàn phá nặng nề nhất từ trước đến nay trên tôm nuôi - đã được khống chế thành công ở nhiều nước sản xuất, khiến sản lượng tôm thế giới ổn định và tăng cao so với năm ngoái. Ngoài ra, còn một yếu tố tác động không nhỏ là tâm lý nhà nhập khẩu. Khi giá tôm trên thị trường thế giới đang giảm, ở vào giai đoạn cân đối cung - cầu thì các hợp đồng xuất - nhập cũng chững lại.
 
Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước đạt 3,9 tỷ USD, chiếm tới 50% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản. Với tình hình xuất khẩu tôm không thuận lợi như hiện nay, để đạt được con số cao như năm 2014 là thách thức lớn. Chính vì vậy, quý III và quýIV-2015 là thời điểm ngành tôm phải bứt phá mạnh mẽ để tăng tốc sản lượng và giá trị xuất khẩu. Trong đó, các doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến việc thúc đẩy sức mua tại các thị trường truyền thống và tìm kiếm, mở rộng thị trường mới. Đồng thời, kiểm soát tốt dịch bệnh ở các vùng nuôi tôm để bảo đảm chất lượng nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến. Vì về lâu dài, tôm Việt Nam buộc phải cạnh tranh bằng chất lượng để duy trì mức tăng trưởng cũng như nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng.
 
Tiến Anh (Báo Nhân Dân)