Chăn nuôi Việt Nam: Quanh chuyện thị trường
- Thứ tư - 01/03/2017 08:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thị trường tỷ đô!
Theo tính toán của các nhà thị trường, chỉ riêng thị trường thịt của Việt Nam đã vào khoảng 18 tỷ USD. Con số này đã khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài đổ xô vào khai thác.
Với Việt Nam, dù ngành chăn nuôi đạt mức tăng trưởng bình quân 4 - 5%/năm và thu hút tới 10 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cung ứng sản phẩm, nhưng theo ước tính, ngành chăn nuôi mới chỉ đáp ứng 50% sản lượng thịt tiêu thụ trong năm, chưa kể theo nhu cầu phát triển ngày càng cao của đời sống thì mức tiêu thụ thịt còn tăng hơn trong các năm tới (mức tiêu thụ bình quân hiện là 33,5 kg/người/năm nhưng đến năm 2020 dự kiến là 39 kg/người/năm).
Hai giải pháp được lựa chọn là phát triển chăn nuôi trong nước để đáp ứng nhu cầu, hoặc đơn giản là nhập thịt ngoại về bán kiếm lời. Xu hướng thứ hai đang tỏ ra ưu thế vì thịt nhập khẩu có giá thấp hơn 30% so giá thị trường.
Ngành chăn nuôi công nghiệp ở Việt Nam vẫn còn thiếu và yếu
Cạnh tranh
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên thế giới đã bày tỏ tham vọng chinh phục thị trường Việt Nam như C.P. Việt Nam, Neovia Việt Nam… Các sản phẩm chăn nuôi theo quy trình hiện đại và khép kín của các nhà chăn nuôi đến từ nước ngoài sẽ nhắm vào khách hàng trung lưu với các chuỗi siêu thị và cửa hàng thịt sạch. Dự án chăn nuôi của các doanh nghiệp Pháp có tên Le Porc du Mékong hiện đã có 600 nhà chăn nuôi trong nước tham gia, dự kiến sản phẩm đầu tiên của dự án này sẽ có mặt trên thị trường đầu năm 2017. C.P Việt Nam cũng đang cấp tập hoàn thành hơn 10.000 điểm bán lẻ, cửa hàng trên cả nước mang thương hiệu C.P. Fresh Mart và C.P. Kiosk...Theo đánh giá, ngành chăn nuôi công nghiệp Việt Nam hiện đang rất yếu và thiếu. Thậm chí trang trại của doanh nghiệp hàng đầu như Vissan cũng chỉ mới đáp ứng được hơn 10% nhu cầu thịt heo trên thị trường. Nếu ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam tăng trưởng cho giai đoạn 2015 - 2020 là 10,9% và trở thành một trong những thị trường nóng nhất thì việc các doanh nghiệp trong nước chịu sự cạnh tranh lớn là điều khó tránh khỏi.
Hợp tác
Câu chuyện về Tập đoàn CJ của Hàn Quốc là một điển hình cho sự hợp tác giữa các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp này đã liên kết với Satra (công ty mẹ của Vissan). Sau 18 năm, CJ đạt doanh thu gần 14.000 tỷ đồng, đạt lợi nhuận hơn 500 tỷ đồng năm 2015. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng bình quân mảng thực phẩm của CJ là 86%/năm, cao nhất trong tất cả các mảng kinh doanh ở Việt Nam của CJ. Không ngạc nhiên khi công ty Hàn Quốc này tiếp tục đầu tư nửa tỷ USD để phát triển tại Việt Nam.
Nhiều người cho rằng, Việt Nam vẫn còn “làm chủ được các chợ đầu mối” khi 86% người tiêu dùng Việt Nam vẫn mua thịt tươi tại chợ thay vì trong siêu thị. Nhưng xu hướng mua sản phẩm gia cầm ở các siêu thị sẽ ngày càng phát triển hơn.
Không phải ngẫu nhiên mà tốc độ tăng trưởng nhập khẩu thịt lợn, thịt bò, thịt gà từ nước ngoài vào Việt Nam những năm gần đây thường nằm ở mức 40 - 50%. Rõ ràng là có cầu mới có cung. Thị trường vẫn rất tiềm năng cho những sản phẩm chăn nuôi cao cấp và giá thành hợp lý. Các doanh nghiệp của ngành nông nghiệp Việt Nam lâu nay vẫn hướng mũi nhọn đi xuất khẩu mà dường như đã không chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh trên sân nhà với thị trường sản phẩm chăn nuôi có giá trị hơn 30 tỷ USD mỗi năm. Liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp mạnh của nước ngoài cũng là một xu thế mà các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm trong thời gian gần đây.
Xuất khẩu khó nhưng có tiềm năng
Ngược lại với tình hình nhập khẩu thịt ngoại vào Việt Nam khá dễ dàng và tăng trưởng chóng mặt thì việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi Việt Nam ra nước ngoài lại cực kỳ khó khăn. Rào cản chủ yếu, theo các doanh nghiệp là Việt Nam chưa chủ động ký kết các văn bản song phương về xuất nhập khẩu gia súc gia cầm, vì đây là mặt hàng chịu sự kiểm dịch gắt gao, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn hoành hành trên thế giới.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, thời gian tới Bộ sẽ đưa một số mặt hàng chăn nuôi, trước mắt là thịt lợn và trứng vào các chương trình đàm phán cấp cao với một số nước để sớm mở cửa xuất khẩu, nhất là các thị trường như Trung Quốc, Singapore, Australia… Cục Chăn nuôi cũng đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu gà sang một số thị trường quan trọng trong năm 2017 là Nhật Bản, châu Âu và một số nước châu Á.
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, nếu Việt Nam xuất khẩu gà lông trắng thì rất khó cạnh tranh, nhưng nếu xuất khẩu các sản phẩm gà lông màu, các giống gà bản địa, đặc biệt phát triển gà thả vườn chăn nuôi theo hướng hữu cơ thì Việt Nam sẽ chiếm ưu thế. Để phục vụ xuất khẩu, Việt Nam sẽ phải xây dựng những vùng chăn nuôi ổn định, có sản lượng lớn, đủ để cung cấp cho các đơn đặt hàng lớn, duy trì sự có mặt của sản phẩm trong thời gian dài trên các thị trường. Muốn vậy, Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến công nghệ giống và quy trình chăn nuôi khép kín, hiện đại.
>> “Năm 2017, thị trường rất mở cho chăn nuôi Việt Nam nếu đi đúng hướng, đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu của người tiêu dung; không những thị trường nội địa mở rộng mà thị trường xuất khẩu cũng thuận lợi”, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân nhận định. |
Nguyễn Anh
http://nguoichannuoi.com/