Chăn nuôi nội mới đáp ứng 30% lượng sữa tươi

Theo PGS-TS Nguyễn Đăng Vang- Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, hàng năm lượng tiêu thụ sữa nước trong nước khoảng 1,1 triệu tấn, trong đó có khoảng 550 triệu tấn phải nhập khẩu (về pha lại dưới dạng hoàn nguyên-PV). Do đó, tiềm năng phát triển ngành chăn nuôi bò sữa trong nước vẫn còn rất nhiều.
Tuy vậy, theo đánh giá khi TPP có hiệu lực, không ai có thể đoán chắc các công ty sữa nội sẽ đủ lực để duy trì sự tồn tại, cạnh tranh. Giám đốc một công ty sữa cho biết, giảm 3% thuế cho sữa nguyên liệu không thấm gì với doanh nghiệp sản xuất, nhưng giảm 7-10% thuế với sữa thành phẩm thì sữa ngoại chắc chắn có lý do để đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam.

Sau khi thu hoạch sữa vào cuối buổi chiều hàng ngày, nông dân đưa sữa đến bán tại các trạm thu mua của Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu. Ảnh:Trần Quang

Đơn giản vì ngành sữa tại Việt Nam quá hấp dẫn về tiềm năng, với thị trường trên 90 triệu người và tốc độ tăng dân số cao, khoảng 1,2%/năm. Hãng nghiên cứu Nielsen đưa ra thông tin, trong ngân sách người tiêu dùng chi cho mặt hàng tiêu dùng ở thành thị thì sữa chiếm 32%. Còn Euromonitor ước lượng, doanh thu ngành sữa Việt Nam năm 2015 đạt trên 4 tỷ USD, tức tăng khoảng 23%.

Theo Cục Chăn nuôi Việt Nam, vài năm tới, ngành sữa sẽ còn tiếp tục phát huy tiềm năng khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này bình quân đầu người tăng trưởng khoảng 9%/năm (tương đương từ mức 18 lít trong năm 2013 lên 27-28 lít/người trong năm 2020). Con số này so ra vẫn thấp hơn Singapore (45 lít) hoặc Thái Lan (35 lít).

Một số chuyên gia nhận định, sữa tươi 100% nguyên chất ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, do số lượng đàn bò nội địa chỉ đủ cung cấp khoảng 30% nhu cầu cả nước. Ngay cả trong lượng sữa tươi thu mua của nông hộ thì 20-50% đã không đạt chất lượng như yêu cầu. Như vậy, việc thiếu hụt 70% lượng sữa cho chế biến và tiêu thụ đã khiến Việt Nam phải gia nhập nhóm 20 nước nhập khẩu sữa lớn nhất thế giới. New Zealand hiện đứng đầu danh sách các nhà cung cấp sữa cho Việt Nam.

Theo Danviet.vn