Chi gần 2 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tính từ đầu năm

Gần 2 tỷ USD là lượng ngoại tệ đã được chi ra để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong nửa đầu năm 2018.
Nhập khẩu ngô nguyên liệu và đậu tương luôn chiếm lượng ngoại tệ lớn nhất trong các nhóm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, riêng năm 2017, hơn 1,5 tỷ USD đã được chi để nhập khẩu ngô. Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong tháng 6/2018 đạt 372 triệu USD, tăng 12,96% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với mức nhập khẩu tăng cao trong tháng 6 đã góp phần vào con số gia tăng giá trị nhập khẩu của 6 tháng đầu năm nay.

Tính chung, trong 6 tháng đầu năm 2018 Việt Nam đã chi gần 2 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước đó. Chi nhập khẩu lớn chủ yếu vào nhóm hàng đậu tương, ngô, lúa mỳ, sắn - các sản phẩm từ sắn...

Các thị trường cung cấp thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu lớn cho Việt Nam gồm Brazil, Mỹ, Aghentina. Trong đó, nhập khẩu từ Brazil 287 triệu USD, tăng 322,55% so với cùng kỳ, từ thị trường Bỉ với 18 triệu USD, tăng 159,61% so với cùng kỳ, nhập khẩu từ Mỹ hơn 321 triệu USD, tăng 90,77% so với cùng kỳ...

Trước đó, trong năm 2017, dù chi nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đã giàm 7% so với 2016, nhưng vẫn lên tới con số  3,2 tỷ USD, với các nguyên liệu chính yếu như: ngô đạt 7,7 triệu tấn, kim ngạch 1,5 tỷ USD, đậu tương đạt 1,65 triệu tấn, kim ngạch 708 triệu USD,.

Khi ngành chăn nuôi tập trung theo quy mô công nghiệp càng phát triển mạnh mẽ, như một tất yếu đã kéo theo sự gia tăng nhu cầu sử dụng và nhập khẩu nguyên liệu phục vụ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành chăn nuôi Việt Nam đang phát triển với mức tăng trưởng khoảng 3 - 4%/năm trong giai đoạn 2011 - 2017, đặc biệt là lợn, gà và bò (tốc độ tăng trưởng sản lượng lợn đạt 5,7%/năm, gà đạt 7,6%/năm, bò đạt 6,1%/năm).

Trong khi đó, sản lượng ngô, đậu tương trong nước hiện nay chỉ đáp ứng được 50 - 55% nhu cầu sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước (diện tích giảm, năng suất tăng chậm), do đó hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn các loại thức ăn gia súcđể phục vụ ngành chăn nuôi trong nước.

Nhu cầu nhập khẩu thức ăn chăn nuôi dự báo còn gia tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi cho thị trường vào dịp cao điểm tiêu dùng các sản phẩm thịt vào cuối năm. Bộ Công Thương dự báo, khả năng chi nhập khẩu có thể lên tới 3,8 - 3,9 tỷ USD vào cuối năm nay.

Thế Hoàng
baodautu.vn