Chiếu cói Nga Sơn bươn chải tìm thị trường

Chiếu cói Nga Sơn bươn chải tìm thị trường
Từ 150 năm trước, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đã xuất hiện nhiều làng nghề dệt chiếu cói. Tuy nhiên, nghề trồng cói, dệt chiếu của người dân nơi đây cũng trải qua không ít thăng trầm.
Bám đất, bám nghề

Nga Tân là 1 trong 8 xã trồng cói lớn ở Nga Sơn, với tổng diện tích lên tới 128,2ha, tuy nhiên, vẫn còn 133,6ha bị bỏ hoang. Nguyên nhân là do đất trồng cói ở đây cao hơn so với mặt nước trong khi hệ thống cấp thoát nước không đảm bảo việc tưới, tiêu để cây cói phát triển, khiến năng suất cói rất thấp, năm 2005 chỉ đạt khoảng 50 kg/sào. 

Với phương châm không để ruộng đất bỏ hoang, bạc màu, năm 2010, Nga Sơn quyết định hỗ trợ cho các hộ trồng cói 400.000 đồng/sào, ngoài ra xã còn hỗ trợ thêm 200.000 đồng/sào để bà con cải tạo ruộng đất. Nhờ sự quan tâm sát sao đó mà năng suất cói 2 vụ năm 2012 tăng lên 14 tấn/ha. Năm 2013, huyện tiếp tục hỗ trợ cho hộ trồng cói với mức 500.000 đồng/sào. 

Ông Phạm Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Nga Tân cho biết: “Do xã gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư, giá cói bán ra thị trường thấp, hệ thống hạ tầng chưa hoàn thiện nên việc hỗ trợ cho các hộ trồng cói vẫn hạn chế. Tới đây, UBND xã sẽ tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ bà con cải tạo đất hoang để chuyển đổi sang mô hình nuôi cá kết hợp trồng lúa. Ngoài ra, xã sẽ mở thêm lớp tập huấn về cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây cói; tiếp tục tìm kiếm thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ”.
Cũng theo ông Quân, với 2 vụ cói/năm, trừ chi phí, nông dân thu lãi khoảng 3,5 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, trước những khó khăn về đầu ra, sản phẩm chiếu cói Nga Sơn đang dậm chân tại chỗ, nhiều hộ phải bỏ nghề, bỏ hoang đất trồng cói…

Cùng tìm giải pháp 

Trước tình trạng các sản phẩm từ cói tiêu thụ chậm, thương lái ép giá, chính quyền và nhân dân huyện Nga Sơn đã cùng nhau tìm giải pháp để phát triển nghề cói. Theo đó, năm 2012, Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết 05-NQ/HU về thúc đẩy các ngành nghề kinh tế, trong đó chú trọng đầu tư phát triển cây cói. Bước đầu, huyện tập trung vào thị trường trong nước, rồi từng bước tiến ra nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, thị trường Bắc Âu…

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Ngọc Quế, Phó chánh Văn phòng Huyện ủy Nga Sơn cho biết: “Năm 2012, giá trị sản suất toàn ngành cói đạt 1.045 tỷ đồng, bằng 102,7% kế hoạch, trong đó riêng sản lượng cói khô đạt 24.008 tấn (mục tiêu Nghị quyết 05 đề ra là 20.000 - 22.000 tấn cói khô). Có được điều đó là do người dân đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng cói, nhiều giống cói chịu mặn, chịu chua được đưa vào sản xuất, cho năng suất cao và đảm bảo về độ dài (trên 2m). Buồn một nỗi là thị trường tiêu thụ cói vẫn khá hạn chế, vì vậy, Nga Sơn rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ phía lãnh đạo tỉnh để đưa ngành sản xuất cói ngày một phát triển bền vững hơn”.       

  
Minh Thượng
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn