Chính thức vào thị trường Trung Quốc: Thanh long bớt lo “dội” chợ!
- Thứ sáu - 25/11/2016 04:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Việc ký kết hợp tác tiêu thụ giữa các DN, có sự giám sát, theo dõi của cơ quan chức năng hai nước Việt Nam – Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế tình trạng chụp giật, núp bóng, làm loạn hoạt động thu mua thanh long tại Việt Nam của các thương nhân Trung Quốc hiện nay.
Dẫu vậy, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, nhà vườn, các cơ sở thu mua trong nước vẫn nên cẩn trọng khi giao thương với thương lái Trung Quốc.
Trung Quốc là thị trường lớn
Vừa trở về từ Hàn Quốc sau chuyến giao lưu, tìm đối tác xuất khẩu thanh long, ông Trương Quang An – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tầm Vu (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) nhận thêm tin báo, sẽ có một đoàn thương nhân cùng cán bộ các HTX nông nghiệp tiêu biểu của Trung Quốc đến thăm Tầm Vu vào thứ 7 này.
Ngoài việc tham quan mô hình sản xuất, sơ chế thanh long, các thương nhân cũng tìm kiếm cơ hội hợp tác mua bán, tiêu thụ thanh long Việt Nam. Ông An cho biết, Trung Quốc là thị trường lớn của thanh long nhưng xưa nay, ông cũng tự tìm kiếm đối tác và thường phải xuất khẩu tiểu ngạch là chủ yếu. Do đó, việc cơ quan nhà nước trực tiếp kết nối, xúc tiến thương mại cho trái thanh long được nhiều DN trong nước nhiệt tình ủng hộ.
Sơ chế thanh long xuất khẩu tại HTX Tầm Vu (Long An). Ảnh: Thuận Hải
Ông Lương Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, thanh long hiện được trồng tập trung nhiều nhất ở 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang với tổng diện tích khoảng 37.000ha. Trong đó Bình Thuận có diện tích thanh long lớn nhất với 27.000 ha. Trái thanh long Bình Thuận đã có mặt trong hầu hết trên các thị trường trên cả nước, và được xuất khẩu qua các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Bà Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, được xem là một trong những sản phẩm nông nghiệp chính của các tỉnh như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, trái thanh long đã có bước phát triển “nóng” trong thời gian qua. Sản lượng tăng mạnh dẫn tới tình trạng dội chợ.
Không chỉ vậy, có đến hơn 80% thanh long trong nước dành cho xuất khẩu. Trong đó, chỉ có 2 – 3% được xuất khẩu chính ngạch, phần còn lại phải vận chuyển ra phía Bắc để xuất sang Trung Quốc, thông qua các cửa khẩu bằng đường tiểu ngạch. Việc này khiến DN gặp nhiều rủi ro trong thanh toán, giao hàng. Đặc biệt, đã xảy ra tình trạng thương lái Trung Quốc tự tìm đến các vườn thanh long để thu gom sản phẩm, làm loạn thị trường…
Để nâng cao sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, Bộ Công Thương cùng các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, thu hút các DN trong và ngoài tỉnh cũng như DN nước ngoài, trong đó có Trung Quốc tham gia chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thông qua đường chính ngạch.
Phải thực tế!
Dù được kỳ vọng sẽ giúp phát triển thị trường theo hướng bền vững, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc ký kết hợp tác tiêu thụ thanh long với các DN Trung Quốc phải thực tế, thể hiện bằng các hợp đồng mua bán cụ thể.
Là một trong những DN Việt Nam tham gia ký kết thỏa thuận hợp tác tiêu thụ thanh long với các DN Trung Quốc, ông Trần Ngọc Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), cho rằng, chưa thể khẳng định được hiệu quả gì từ việc ký kết thỏa thuận giữa hai bên. Thay vào đó, các DN vẫn phải nỗ lực tự thân vận động, tìm kiếm hợp đồng thực tế từ các đơn vị có tham gia ký kết và cả những đối tác khác.
Còn theo ông An, việc ký kết thỏa thuận mua bán hai bên phải thực tế. Theo đó, các DN hai nước phải thật sự mong muốn hợp tác thu mua, tiêu thụ thanh long một cách công bằng, hiệu quả. Ông An cho rằng, trước đó, nhiều lần tỉnh Long An cũng tổ chức ký kết thỏa thuận với các DN Trung Quốc nhưng sau đó, hồ sơ giấy tờ chỉ để… cất tủ, ND Việt Nam không có thêm được hợp đồng thương mại nào.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa mong rằng, để các thỏa thuận ký kết tại hội nghị đi vào thực tiễn, có kết quả cụ thể, các DN thu mua phải đảm bảo việc thu mua hết số lượng và các DN cung ứng phải đáp ứng đủ số lượng, chất lượng theo hợp đồng.
Việc theo dõi việc ký kết hợp đồng giữa hai bên sẽ do Cục Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cùng Sở Công Thương các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang giám sát. Định kỳ 6 tháng 1 lần, các đơn vị phải báo cáo các kết quả, triển khai về Bộ Công thương.
Tại buổi ký kết, ông Cố Chương Vỹ - Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) cũng cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để DN hai nước tiêu thụ thanh long tại tỉnh Quảng Tây. Để đáp ứng yêu cầu chất lượng ngày càng cao của thị trường và đảm bảo phát triển bền vững, ngành nông nghiệp khuyến khích các địa phương tiếp tục phát triển diện tích thanh long VietGAP, GlobalGAP.
Trong đó, Bình Thuận - thủ phủ sản xuất thanh long của cả nước, là địa phương đi đầu trong việc phát triển thanh long đạt chuẩn VietGAP. Tính đến nay, toàn tỉnh có diện tích lên đến trên 26.500ha, sản lượng thu hoạch trên 500.000 tấn/năm. Trong số đó, Bình Thuận có 262ha thanh long được cấp chứng nhận GlobalGAP, hơn 9.200ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP. /.