Cho vay giao thông, bất động sản: Không để vết thương há miệng

InfoMoneyBất chấp cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hàng loạt ngân hàng vẫn lao vào canh bạc cho vay trong lĩnh vực giao thông, bất động sản. Hậu quả là đến nay, nhiều ngân hàng nhấp nhổm ngồi trên đống lửa vì nguy cơ nợ xấu ngày càng rõ nét.

Hai bên cùng lao đao

Từng là đại gia rất uy tín và hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực vận tải, cách đây 8 năm, Công ty cổ phần Thuận Thảo đã quyết định đột phá bằng cách rẽ ngang sang nhiều lĩnh vực, nổi bật là bất động sản.

Thế nhưng, cú rẽ ngang đau đớn đó đã khiến doanh nghiệp này tuột dốc với khoản lỗ lên tới hàng trăm tỷ đồng. Sự đi xuống của Thuận Thảo khiến nhiều ngân hàng lo sốt vó. Hiện số vốn mà Thuận Thảo nợ các ngân hàng lên tới gần 750 tỷ đồng. Gần một nửa số đó là nợ ngắn hạn, có khả năng rơi vào nợ xấu.

.
.

Chưa đến mức rơi vào làm ăn thua lỗ, song lợi nhuận sau thuế thu về cả năm chỉ vọn vẻn mấy chục tỷ đồng khiến các chủ nợ của đại gia phố núi Quốc Cường Gia Lai (QGC) đau tim, bởi tính đến hết ngày 31/12/2016, nợ sắp đến hạn trả của đơn vị này lên tới gần 1.700 tỷ đồng. Các ngân hàng giao dịch với Quốc Cường Gia Lai hầu hết cũng là các ngân hàng lớn, có vốn nhà nước.

Tương tự, ông trùm bất động sản một thời khác là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 đang khiến 3 ngân hàng lớn toát mồ hôi khi hàng ngàn tỷ đồng chưa đòi lại được. Trong tổng số hơn 2.000 tỷ đồng mà công ty này nợ các ngân hàng, nợ của Sacombank chiếm tới 1.300 tỷ đồng, số còn lại thuộc về ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà nước.   

Lĩnh vực giao thông cũng khiến nhiều ngân hàng và chủ đầu tư vỡ mộng sau một thời gian hăm hở bơm tiền ra mặt đường. Mới đây, bà Trần Thị Thanh Tâm, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Tasco - chủ đầu tư nhiều dự án BOT - cho biết, tới đây, Tasco sẽ dừng đầu tư vào lĩnh vực BOT, bởi tỷ suất sinh lời hàng năm của lĩnh vực này khá thấp (khoảng 11,5%), trong khi vốn chủ sở hữu “bị giam” quá lâu.

Trước đó, tháng 10/2016, Ngân hàng SHB đã thông báo dừng rót tiền cho Dự án Hòa Lạc - Hòa Bình do doanh thu thực tế thấp hơn nhiều so với phương án tài chính mà chủ đầu tư đưa ra. Sau nửa năm tạm dừng, SHB vẫn chưa tiếp tục giải ngân cho dự án này, dù chủ đầu tư nhiều lần đề nghị.

Không để vết thương há miệng

Cho vay giao thông, bất động sản luôn hấp dẫn các ngân hàng, bởi dư nợ rất lớn, không phải gom tiền lẻ. Riêng với lĩnh vực giao thông, ngót cả trăm nghìn tỷ đồng đã được các ngân hàng bơm ra mặt đường. Dù làn sóng cho vay giao thông đã chậm lại, song hệ quả của làn sóng cho vay trước đó đang đẩy nhiều ngân hàng trước nguy cơ nợ xấu bùng lên. Đây là hệ quả tất yếu, bởi nhiều ngân hàng cho vay dự án BOT đến gần 90%, bất chấp vốn của chủ sở hữu rất mỏng, chỉ khoảng 10%, thậm chí 10% này cũng rất ảo.

Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng, cho vay bất kỳ lĩnh vực nào đều có tỷ lệ rủi ro. Lĩnh vực hạ tầng, bất động sản lại là nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân của rủi ro tín dụng là ở chỗ thẩm định chủ đầu tư có năng lực, chứ không nên coi hai lĩnh vực này là tội đồ.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải giám sát chặt chẽ hơn dòng vốn đổ vào lĩnh vực này. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng đề nghị, ngân hàng nên đưa ra hạn mức khi tham gia dự án giao thông, bất động sản phù hợp với cơ cấu vốn của mình và phải thẩm định kỹ năng lực chủ đầu tư. 

Hơn một năm qua, cho vay lĩnh vực này cũng bị NHNN dần dần siết lại. Ngay trong chỉ thị đầu tiên ban hành năm 2017 (Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2017), NHNN cũng nhắc lại vấn đề này.

http://infomoney.vn