Chôm chôm được giá

Chôm chôm được giá
Hiện nay, chôm chôm được các thương lái vào tận vườn thu mua với giá cao hơn so với mùa chôm chôm chính vụ năm ngoái 2.000-3.000 đ/kg dù các vườn chôm chôm ở huyện Cai Lậy và Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) đang vào mùa thu hoạch rộ.

Ông Lê Văn Tuấn, nông dân trồng chôm chôm ở cồn Tân Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) phấn khởi cho biết: Hơn nửa tháng nay, dù chôm chôm bắt đầu vào vụ thu hoạch rộ nhưng giá chôm chôm vẫn được thương lái vào tận vườn thu mua với giá cao. Cụ thể, chôm chôm Java hiện được thương lái thu mua với giá 4.500 - 5.000 đ/kg, chôm chôm nhãn có giá 10.500 - 11.000 đ/kg.

Theo nhiều nông dân trồng chôm chôm, năng suất chôm chôm bình quân đạt khoảng 15 - 20 tấn/ha, với giá chôm chôm hiện tại thì sau khi trừ chi phí phân, thuốc, công chăm sóc…, lợi nhuận từ vụ chôm chôm chính vụ này này đạt khoảng 30-50 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, hầu hết bà con đã xử lý chôm chôm ra trái nghịch vụ có giá cao từ 12.000 - 25.000 đ/kg, trừ chi phí người trồng chôm thu lãi từ 150-200 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Phương, ấp Tân Luông B, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) (đoạt giải nhất cuộc thi trái cây ngon ĐBSCL 2012 tổ chức ở Tiền Giang) cho biết, để xử lý cho chôm chôm ra trái nghịch vụ bán vào thời điểm tháng 10 âm lịch thì vào khoảng tháng 4 là phải xiết nước...

Hiện nay, Tiền Giang đã xây dựng được vùng chuyên canh chôm chôm trên 900 ha thuộc huyện Cai Lậy, Cái Bè. Trong đó, huyện Cai Lậy có 460 ha trồng giống chôm chôm nhãn và chôm chôm Java, tập trung chủ yếu ở các xã Tân Phong, Ngũ Hiệp và Hiệp Đức.

Để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của chôm chôm, tỉnh đã thành lập Tổ hợp tác chôm chôm Tân Phong có 34 hộ nông dân với diện tích trên 16 ha được trồng theo qui trình VietGAP tiên tiến. Nhờ áp dụng quy trình VietGAP, nông dân trong Tổ hợp tác tiết giảm được 20% chi phí sản xuất nhưng năng suất đạt đến 20 - 25 tấn/ha, lợi nhuận hàng năm từ 150 - 200 triệu đồng/ha

Báo Nông nghiệp Việt Nam