Chủ động tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu gỗ và lâm sản trong tình hình mới

Chủ động tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu gỗ và lâm sản trong tình hình mới
Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và lâm sản vẫn đạt tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ 2019. Cụ thể, giá trị xuất khẩu đạt 1,67 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ 2019. Trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,53 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu chính gồm: Hoa Kỳ 840 triệu USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2019; Nhật Bản 206,5 triệu USD tăng 6,4%; Trung Quốc 180 triệu USD, tăng 21%; Hàn Quốc 119,2 triệu USD giảm 9,6%; EU 172,3 triệu USD tăng 2,4. Năm thị trường này chiếm gần 90% kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, riêng thị trường Hoa Kỳ chiếm hơn 50%. Giá trị nhập khẩu: đạt 330,5 triệu USD, giảm 11,1%; trong đó: gỗ nguyên liệu đạt 301,9 triệu USD, giảm 15,2%; sản phẩm gỗ đạt 28,6 triệu USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn kiểm tra, nắm bắt tình hình sản xuất tại Công ty Cổ phần chế biến Lâm sản Nam Định

Tuy nhiên, theo báo cáo của Hiệp hội gỗ và lâm sản thì dịch Covid – 19 cũng sẽ có một số những ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực xuất, nhập khẩu gõ và lâm sản. Năm thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU (chiếm gần 90% ) đều bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cùng với đó, việc nhập khẩu nguyên liệu gỗ để sản xuất hàng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn vì một số thị trường lớn, truyền thống đã hạn chế giao dịch các hợp đồng mới để phòng ngừa dịch bệnh lan truyền. Giá một số loại gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ đầu năm đã tăng từ 10-15% đã đẩy giá vận chuyển container, tầu biển tăng. Nguồn cung nguyên liệu phi gỗ, vật liệu phụ trợ, như sơn, keo dán dây đai, thanh trượt, bản lề,, hóa chất…hầu như phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Để kịp thời ứng phó với tác động của dịch Covid-19, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực, chủ động làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và các Hiệp hội ngành hàng của các địa phương để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn; tổ chức đoàn công tác xúc tiến, tăng cường hợp tác thương mại nông sản tại Hoa Kỳ; làm việc cụ thể với một số doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu gỗ và lâm sản nhằm kịp thời lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, đưa ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu gỗ và lâm sản trong tình hình mới. 

Trong thời gian qua, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng đã có văn bản gửi một số tỉnh, thành phố, các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp để kiến nghị tăng cường kiểm soát việc xuất nhập khẩu gỗ, lâm sản ứng phó với dịch Covid-19.

Theo mard.gov.vn