Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho các đô thị lớn: Hướng đến 3F

Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho các đô thị lớn: Hướng đến 3F
Trong khi ở các nước phát triển, hệ thống cung ứng thực phẩm đã được hình thành và phát triển ổn định với các mô hình tổ chức chặt chẽ thì ở nước ta, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở nên nổi cộm, gây hoang mang cho người tiêu dùng. Làm thế nào để cung ứng được thực phẩm an toàn cho các đô thị lớn tại Việt Nam đang là một thách thức lớn đối với các nhà kinh doanh, cơ quan quản lý.
 

VinEco hướng tới một nền nông nghiệp sạch, vì sức khỏe của người dân và tương lai lâu dài cho thế hệ mai sau.

Phụ thuộc vào thương lái

Có một điểm chung ở hầu hết các đô thị lớn là, thực phẩm được đưa vào tiêu thụ bởi một mạng lưới phức tạp, qua nhiều khâu trung gian với nhiều thành phần tham gia, dẫn đến chi phí lưu thông cao, giá bán đến tay người tiêu dùng đội lên rất nhiều. Đơn cử như tại Hà Nội, theo thống kê, trong khu vực nội thành hiện có 1.042 chợ, 417 siêu thị và cửa hàng kinh doanh thực phẩm tươi sống; khoảng 4.200 cơ sở tiêu thụ sản phẩm thịt gia cầm như nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể… Do có quá nhiều khâu trung gian và có nhiều thành viên tham gia vào mỗi khâu trong các chuỗi cung ứng nên rất khó truy xuất nguồn gốc gia cầm và khó kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm do các khâu trong chuỗi tách rời nhau.

Theo kết quả khảo sát tại các vùng chăn nuôi gia cầm lớn như Yên Thế (Bắc Giang), Ba Vì, Chương Mỹ (Hà Nội) của PGS.TS.Trương Đình Chiến (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), các hộ chăn nuôi đều phản ánh thực trạng không có thị trường tiêu thụ hay khách hàng ổn định cho sản phẩm của họ. Thương lái mua theo khả năng tiêu thụ và giá cả thị trường tại thời điểm đó, không có cam kết với các hộ chăn nuôi. Ngược lại, các hộ chăn nuôi cũng không có cam kết bán gia cầm cho thương lái cụ thể. Hình thức hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và cơ chế bảo đảm thực hiện hợp đồng chưa có. Thương lái lại phụ thuộc vào đặt hàng của các nhà bán buôn tại chợ đầu mối. Tuy nhiên, ràng buộc giữa thương lái với các nhà bán buôn cũng lỏng lẻo dựa trên cam kết của từng thương vụ. Chưa hình thành được chuỗi liên kết giữa người chăn nuôi, thương lái, người bán buôn, bán lẻ.

Hiện nay, các cơ quan chức năng mới chỉ thực hiện kiểm soát được một vài mắt xích trong chuỗi cung ứng thực phẩm như đóng dấu kiểm dịch tại cơ sở giết mổ. TP.Hà Nội cũng chỉ có thể kiểm soát thực phẩm thông qua các chợ đầu mối và chỉ dừng ở khâu kiểm tra xem có giấy tờ hợp lệ hay không, còn việc lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm an toàn rất khó khăn. Bởi số đơn vị chăn nuôi nhỏ lẻ rất nhiều, việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc không đơn giản.

Đối với sản phẩm rau an toàn, dù bước đầu đã hình thành chuỗi cung ứng (85 cửa hàng, 76 điểm phân phối tại khu dân cư, cơ quan và 35 siêu thị) nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, phần lớn nhu cầu rau, quả của người dân do các chợ dân sinh đảm nhiệm. Trong khi đó, chợ dân sinh thì chưa thể quản lý được chất lượng nguồn rau đầu vào, người bán lẻ ít quan tâm đến tiêu chuẩn an toàn của sản phẩm. Chuỗi cung ứng hiện nay lệ thuộc vào thương lái và qua nhiều khâu trung gian nên phân phối chưa hợp lý, gây nên tình trạng thừa thiếu cục bộ.

Khép kín từ trang trại đến bàn ăn

Theo PGS.TS.Trương Đình Chiến, những năm qua, Hà Nội cũng như nhiều đô thị lớn đã có chủ trương phát triển các chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn nhưng không thành công. Đã có một số doanh nghiệp đầu tư trang trại, địa điểm giết mổ, cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm sạch nhưng chỉ được một thời gian rồi thất bại. Bài học lớn nhất của họ chính là giá cả cao không cạnh tranh được và chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm. Việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với siêu thị, cửa hàng chuyên doanh ngoài hệ thống phân phối không thuận lợi do giá cao hơn nhiều so với thực phẩm không sạch.

Lò giết mổ gia súc, gia cầm hiện đại góp phần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Vũ Sinh

Hà Nội cũng đã có chính sách hỗ trợ xây dựng các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Ví dụ, để đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc gia cầm, thành phố hỗ trợ 50% phí giết mổ năm đầu tiên, 40% năm thứ hai, 30% năm thứ ba và hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ, hệ thống xử lý môi trường. Mỗi năm thành phố chi gần 300 tỷ đồng cho các chương trình, đề án sản xuất nông nghiệp an toàn. Tuy nhiên, các cơ sở giết mổ công nghiệp đều hoạt động cầm chừng, chỉ đạt khoảng 10% công suất. Khâu giết mổ chủ yếu vẫn diễn ra ở các cơ sở nhỏ lẻ, thủ công.

Vì vậy, ông Chiến cho rằng, xây dựng mô hình chuỗi 3F (chuỗi khép kín thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn) được coi là mô hình chuẩn cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh các doanh nghiệp nước ngoài như CP, Lotte, Jollibee, GreenFeed, hiện nhiều doanh nghiệp trong nước cung đang triển khai mô hình này như: Công ty CP Vissan, Công ty CP Thực phẩm gia đình Anco, Massan,…

Đồng quan điểm này, PGS.TS.Tô Đức Hạnh (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), cho rằng, để phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm cần đảm bảo sạch trong tất cả các công đoạn của cả quy trình từ nguyên liệu, sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển đến nơi tiêu thụ. “Kinh nghiệm của Công ty CP thực phẩm Việt Đức, 1 trong 500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất năm 2010 cho thấy, một con lợn siêu nạc đến tuổi trưởng thành, khi được cho vào lò mổ phải được tập trung tại một khu chuồng riêng, có thời gian nghỉ ngơi nhất định để con lợn cân bằng lại thân nhiệt sau quá trình vận chuyển, lấy lại sự ổn định của cơ thể để không ảnh hưởng tới chất lượng của thịt tươi sống. Công đoạn giết mổ cũng phải tuân theo hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm HACCP. Toàn bộ phân xưởng pha lọc làm việc cách ly trong điều kiện nhiệt độ từ 7 - 10 độ C. Tất cả các công đoạn của quy trình sản xuất, chế biến, đóng gói, vận chuyển đến địa điểm phân phối đều phải thực hiện trong môi trường đảm bảo vô trùng. Đây là lý do giúp sản phẩm của công ty được người tiêu dùng ưa chuộng”, ông Hạnh nói.

Việc thực hiện đồng bộ từ A đến Z phải là những doanh nghiệp có điều kiện về vốn, kỹ thuật, nhân lực, trong khi doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vừa và nhỏ, vì vậy họ lựa chọn một phân khúc nào đó trong chuỗi cung ứng phù hợp với điều kiện của mình. Tức là chỉ lựa chọn làm thật tốt một công đoạn phù hợp trong chuỗi và xây dựng mối quan hệ cung ứng với các doanh nghiệp khác. Đó là cách mà Công ty TNHH Ba Huân lựa chọn phân khúc làm trứng sạch. Kết quả là, trứng sạch Ba Huân được phân phối rộng rãi trong các hệ thống Metro, Co.op Mart, Vissan,… và hàng loạt các siêu thị trên khắp cả nước. Riêng tại TP.Hồ Chí Minh, thương hiệu Ba  Huân chiếm tới hơn 50% thị phần trứng sạch.

Ngoài ra, vì nguồn cung ứng thực phẩm an toàn cho các đô thị lớn chủ yếu là từ bên ngoài, do đó phải có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận. Theo đó, các thành phố lớn cần tăng cường các kênh thông tin cần thiết cho các địa phương về giá cả, nhu cầu các mặt hàng rau, thịt theo từng thời kỳ; đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại cho người tiêu dùng, công khai các địa điểm tin cậy cho người dân để tạo kết nối lâu dài. Hỗ trợ các địa phương khác về lưu thông, quản lý thị trường, giới thiệu chợ đầu mối; phối hợp xử lý nghiêm các vi phạm và công khai các trường hợp vi phạm để mọi người biết. Lựa chọn các thương hiệu, doanh nghiệp để kết nối giữa các vùng sản xuất và tiêu dùng, có chỉ dẫn địa lý, quản lý các sản phẩm đầu vào.

Theo ông Hạnh, tất cả thực trạng yếu kém về chuỗi cung ứng an toàn thực phẩm suy cho cùng đều có nguyên nhân sâu xa là vai trò kiểm tra, kiểm soát của nhà nước. Phải kiểm tra thường xuyên mọi công đoạn, tránh sơ hở để các đối tượng xấu lợi dụng. Việc xử phạt phải thật nghiêm minh và thật nặng, có thể hình sự hóa. Kiểm soát chặt chẽ tại các chợ đầu mối để đảm bảo sản phẩm đưa vào chợ có nguồn gốc, thương hiệu, nhãn mác rõ ràng.

Ông Chiến cũng cho rằng, cần rà soát lại hệ thống luật pháp về vệ sinh an toàn thực phẩm để bổ sung các điều luật cần thiết điều chỉnh hành vi của các nhà kinh doanh thực phẩm nói chung và gia cầm nói riêng. Đặc biệt, cần tăng chế tài và mức xử phạt các hành vi vi phạm, xử lý hình sự hành vi mua bán thực phẩm không an toàn, độc hại. Xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm kiểm soát an toàn thực phẩm, tập trung giám sát toàn bộ chuỗi cung ứng.

Có thể khẳng định, muốn xây dựng thành công một chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại các đô thị lớn, cần sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ của ngành chức năng. Sự tham gia của một số tập đoàn lớn vào thị trường cung ứng thực phẩm an toàn như Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup, TH True milk,… có thể coi là tín hiệu đáng mừng cho việc hình thành các chuỗi cung ứng khép kín trong tương lai.

Nguyên Phương

Nguồn: kinhtenongthon.com.vn