Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vẫn diễn ra chậm sau khi Việt Nam gia nhập WTO

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vẫn diễn ra chậm sau khi Việt Nam gia nhập WTO
Đánh giá lại quá trình Việt Nam (VN) gia nhập WTO, nhiều chuyên gia kinh tế đều thừa nhận bên cạnh những cái được như: VN đã tiếp cận thị trường xuất nhập khẩu dễ dàng hơn, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng nhanh hơn… nhưng nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt với không ít thách thức.

Tăng trưởng chưa bền vững

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức tăng trưởng kinh tế trong 5 năm 2007 - 2011, tức là từ sau khi gia nhập WTO, chỉ đạt 6,5%/năm, thấp hơn mức tăng trưởng của giai đoạn 5 năm trước đó là 7,8%/năm và không đạt được mục tiêu 7,5 - 8%/năm.

Chỉ có ngành nông lâm thủy sản là tăng trưởng cao hơn chút ít so với mục tiêu. Hai khu vực còn lại, công nghiệp - xây dựng lẫn dịch vụ đều kém khá xa so với kỳ vọng. Là lĩnh vực có ảnh hưởng lớn nhất đến tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế (chiếm tỷ trọng 40%), ngành công nghiệp - xây dựng thậm chí sụt giảm mạnh so với thời kỳ trước WTO. Các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, như đưa nông lâm thủy sản chiếm 15, 16% GDP, công nghiệp - xây dựng lên 43 đến 44% GDP, dịch vụ 40 đến 41% GDP vào năm 2010 đều không thực hiện được.

Sức tăng trưởng thấp của cả 3 ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ trong giai đoạn này đã kéo theo tăng trưởng kinh tế đạt thấp. Theo đó, tăng trưởng kinh tế 5 năm sau WTO không chỉ kém 5 năm trước về tốc độ, mà chất lượng cũng giảm sút. Đặc biệt trong giai đoạn 2007-2010, hiệu quả kinh tế còn suy giảm mạnh. Nhiều ý kiến cho rằng, kết quả tăng trưởng thấp là do VN chưa chuẩn bị nguồn lực để đối mặt với các thách thức, nên đã gặp nhiều cú sốc trong quá trình mở cửa nền kinh tế.

Theo TS. Phạm Lan Hương, nguyên Trưởng ban, Ban chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM), nguyên nhân dẫn đến hiệu quả kinh tế giảm mạnh là do việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ còn chậm, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong ngành vẫn chưa có nhiều chuyển biến, chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ phân tán, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng thấp...

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn nông nghiệp thường là ngành được trông cậy cho kinh tế Việt Nam, tuy vậy một số lĩnh vực đang được bảo hộ ở mức độ cao như bông, dâu tằm, rau quả nhiệt đới... lại đang bộc lộ những mặt yếu kém trong khi ngành tưởng chừng có thế mạnh như dệt may, da giày lại có tác động lan tỏa kém, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng CIEM cho biết như vậy.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại cho rằng, “Phải chăng chúng ta chưa tận dụng được các cơ hội, nên sau khi gia nhập WTO, hiệu quả chưa đạt được như kỳ vọng?”. Bà Lan dẫn chứng, nhiều chính sách của VN đưa ra còn thiếu cơ bản, không có đánh giá tác động tới đời sống người dân.

Cần các chính sách để tạo bước đột phá

Mặc dù, kinh tế VN đã có nhiều cải thiện tích cực hơn về tình hình hiện tại khi lạm phát đã giảm, cán cân thương mại và thanh toán cải thiện, dự trữ ngoại tệ cũng tăng nhanh hơn kỳ vọng, nhưng ông Võ Trí Thành lại cho rằng, những khó khăn cơ bản vẫn chưa thực sự được giải quyết, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp (DN) khó do tổng cầu thấp, mức tiêu dùng trừ đi giá cả chỉ tăng có 3,5% - là mức thấp nhất; tổng đầu tư 3 tháng đầu năm 2013 chỉ còn 29,6%, tức là điều kiện để DN kinh doanh là không có. Thêm vào đó, các điều kiện để DN được vay tín dụng còn vướng mắc, nợ xấu chưa được giải quyết. Cải tổ các ngân hàng yếu kém vẫn chưa xong. Ngoài ra, hoạt động sản xuất cũng chưa được cải thiện khi nợ xấu, nợ xây dựng cơ bản, tồn kho công nghiệp chế biến vẫn ở mức cao.

Thời gian qua đã có các chính sách đã đưa ra nhưng vẫn chưa được thực hiện, trong khi có rất nhiều yêu cầu đặt ra liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho DN và tái cấu trúc kinh tế, và mở rộng hội nhập, ông Thành cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay chính là sự ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện tinh gọn bộ máy hành chính, giảm lãi suất cho DN. Do đó, vấn đề trước hết là cần xử lý nợ xấu, triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ DN, như: giãn, giảm thuế, kích cầu đầu tư và tiêu dùng...

Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập ngày một sâu rộng, để nâng cao năng lực cạnh tranh, các biện pháp bảo hộ cần dần được thay thế bằng những chính sách phát triển gắn với mạng sản xuất và chuỗi giá trị, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành sản xuất của VN.

Đại diện CIEM kiến nghị, thời gian tới, VN cần phải tiếp tục cải cách hành chính theo chiều sâu để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Thêm vào đó, cần khuyến khích doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để thâm nhập, khai thác thị trường ngoài nước; đồng thời, đưa ra các chính sách phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; điều chỉnh cơ cấu FDI theo hướng tăng tỷ trọng dòng vốn vào các ngành sản xuất, đầu tư phải đi kèm với tăng năng lực sản xuất, tạo lợi thế xuất khẩu.

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đề nghị, để tránh những “cú sốc” cho ngành nông nghiệp, VN cần sớm đưa ra các biện pháp phòng ngừa khi phải cắt giảm thuế nhập khẩu nông sản xuống thấp theo cam kết. Người nông dân phải được hỗ trợ để ngoài kiến thức nông học còn phải biết hợp tác, liên kết sản xuất, phối hợp với các tổ chức kinh doanh nông sản để cùng sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm khép kín.

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp lại cho rằng, chúng ta cần xem lại chính sách hỗ trợ, bảo hộ khi hội nhập. TS Lê Đăng Doanh ví dụ, ngành nông nghiệp được bảo hộ kém nhưng đã tự cạnh tranh vươn lên rất quyết liệt và có sức lan tỏa lớn với nền kinh tế hội nhập, ngược lại những ngành có lợi thế, được bảo hộ lớn lại kém phát triển và sức lan tỏa yếu với nền kinh tế.

THÚY HIỀN  (TTXVN)