Cố gắng không tăng giá điện trong năm 2016

“Dù khó khăn, nhưng EVN cũng sẽ không đề xuất điều chỉnh giá điện trong năm 2016 này”. Đó là khẳng định của ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại buổi họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện 2014 được Bộ Công thương tổ chức chiều nay (2/2/2016).
Ảnh minh họa

Theo Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2014 là hơn 198.000 tỷ đồng, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014 là 1.539,35 đồng/kWh. Trong đó, chi phí khâu phát điện chiếm tỷ lệ lớn nhất với trên 152.920 tỷ đồng, tương đương với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.188,86 đồng/kWh. Tổng chi phí khâu truyền tải điện trên 10.500 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 81,79 đồng/kWh.

Các báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho biết, chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện, xã đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014. Khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện trong năm 2014 tại các huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Phú Quý (Bình Thuận), Lý Sơn (Quảng Ngãi)... là 142,76 tỷ đồng do giá điện bình quân thực tế tại các huyện đảo nói trên chỉ bằng 58,62%.

Đáng lưu ý, doanh thu bán điện năm 2014 là 197.128,89 tỷ đồng (tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.532,55 đồng/kWh). Như vậy, giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện thấp hơn khoảng 6,8 đồng/kWh so với giá thành sản xuất kinh doanh điện trong năm.

Mặc dù giá bán điện thấp hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện, song theo báo cáo của EVN, trong năm 2014, ngành điện vẫn có lãi trên 823 tỷ đồng. Lý giải khoản lãi này, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, đó là nhờ thu nhập từ các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện, trong đó có thu nhập từ tiền bán công suất phản kháng, thu nhập từ hoạt động tài chính của công ty mẹ - EVN, Tổng công ty truyền tải điện quốc gia và các Tổng công ty điện lực, và thu nhập từ các hoạt động đầu tư vào các công ty cổ phần…

Tổng doanh thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động khác liên quan đến hoạt động điện trong năm 2014 của EVN là trên 1.698 tỷ đồng. “Con số này trừ đi số lỗ do bán điện dưới giá thành (874 tỷ đồng), như vậy năm 2014 EVN vẫn có lãi trên 820 tỷ đồng”, ông Tri nói.

Tuy nhiên, người đứng đầu EVN cũng cho rằng, với mức lãi trên 820 tỷ đồng mà EVN có được trong năm 2014 vẫn là mức lãi thấp nếu tính cả vốn điều lệ là 160.000 tỷ đồng. “Nhìn tổng thể thì EVN có lãi, song nếu hạch toán một cách rạch ròi, chi ly ra, khi đưa hết chênh lệch tỷ giá, khoảng trên 5 ngàn tỷ đồng vào giá điện thì EVN lại lỗ nặng. Điều này cho thấy, giá bán điện hiện nay vẫn đang rất thấp”, ông Tri cho biết.

Tuy nhiên, tại buổi họp báo, câu hỏi được báo giới quan tâm liệu năm 2016, EVN có đề xuất điều chỉnh tăng giá điện hay không. Giải đáp câu hỏi này, ông Đinh Quang Tri cho biết, EVN chưa có kế hoạch đề xuất tăng giá điện trong năm nay. Trong những tháng vừa qua, do thời tiết lạnh kéo dài ở miền Bắc nên EVN không phải huy động nguồn điện chạy dầu. Tuy nhiên, những tháng mùa khô sắp tới, đặc biệt nguy cơ thiếu điện tại miền Nam sẽ khó tránh khỏi như các năm trước, nên chắc chắn sẽ phải huy động nguồn điện chạy dầu, sẽ rất tốn kém.

“Chúng tôi đã lên kế hoạch chạy dầu cho các nhà máy Ô Môn, Thủ Đức… để nếu cần sẽ phải huy động các nguồn này. Mặc dù vậy, cũng sẽ hết sức cố gắng để không phải điều chỉnh tăng giá điện trong năm nay. Bởi như chúng ta đã thấy, mỗi lần tăng giá điện là mỗi lần cả người tiêu dùng lẫn cộng đồng DN rất mệt mỏi. Tuy nhiên, vẫn mong người tiêu dùng và DN luôn có ý thức tiết kiệm điện để giảm áp lực cho ngành điện” – ông Tri nói.