Cơ hội tái cơ cấu ngành tôm
- Chủ nhật - 10/05/2015 23:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tác động không nhỏ
Quý I/2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ khoảng 1,27 tỷ USD, giảm 23% so cùng kỳ năm 2014, mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm giảm tới 30%. Nguyên nhân được cho là khó khăn do rào cản kỹ thuật từ nhiều nước tiếp tục dựng lên, gây trở ngại cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là thị trường Mỹ do ảnh hưởng việc chống bán phá giá đã khiến giá trị xuất khẩu quý I giảm tới 44%. Mặt khác, các thị trường Nhật Bản, EU cũng giảm do đồng yên và euro giảm giá so với USD. Thứ ba là Ấn Độ và một số nước khác đang bán tôm với giá thấp hơn Việt Nam.
Xuất khẩu giảm đã kéo theo những ảnh hưởng xấu đến nuôi trồng. Tại ĐBSCL, TTCT loại 100 con/kg giá chỉ 80.000 đồng/kg, loại 90 con/kg giá 92.000 đồng/kg, 80 con/kg giá 98.000 đồng/kg…, bình quân giảm khoảng 30.000 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái. Một số hộ nông dân cho biết khả năng thua lỗ là khá cao và các nhà máy cũng lo ngại sẽ khó mua nguyên liệu trong thời gian tới.
Quý I/2015, xuất khẩu tôm Việt Nam giảm hơn 30% - Ảnh: An Đăng
Lãnh đạo các Chi cục Nuôi trồng Thủy sản cho biết, việc mua tôm nguyên liệu của nông dân hiện nay còn khá đơn giản và “mùa vụ” vì chủ yếu do thương lái thu gom chứ không phải hợp đồng trực tiếp với nhà máy và các công ty. Tình trạng thương lái thu gom tôm giá rẻ sẽ khiến các nông hộ không còn nhiều động lực để tiếp tục nuôi tôm. Ngoài ra, thời tiết năm nay cũng diễn biến thất thường, khả năng tôm bị bệnh hoặc năng suất thấp có thể xảy ra. Nếu để xảy ra nhiều yếu tố bất lợi thì rất có thể ngành tôm sẽ rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu.
Lời giải
Những thành công khá vang dội trong xuất khẩu năm 2014 đã khiến nhiều người quên đi những lời cảnh báo về thực trạng ngành tôm còn nhiều vấn đề. Chẳng hạn, giá thành sản xuất tôm Việt Nam quá cao so với các nước trong khu vực và thành công trong xuất khẩu tôm năm 2014 một phần do tình trạng thế giới thiếu tôm nguyên liệu vì dịch bệnh hoành hành chứ không phải tôm Việt Nam cạnh tranh tốt.
Nhiều chuyên gia và các nhà nghiên cứu thị trường cũng đã cảnh báo rằng khả năng hồi phục sản xuất của các nước trong khu vực. Tôm Ấn Độ được mùa lại có giá thành nuôi rẻ hơn Việt Nam đang bán vào Mỹ với giá thấp hơn 2 USD/kg. Trung Quốc cũng đã khôi phục được vùng nguyên liệu và bắt đầu chi phối thị trường thế giới.
Năm 2015 được xem như năm ngành tôm tái cơ cấu để hiện đại hóa và phát triển bền vững hơn. Đơn cử như vấn đề xuất khẩu tôm hiện nay phụ thuộc quá nhiều vào đồng ngoại tệ và nếu quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới ngày càng sâu hơn thì ảnh hưởng của nó sẽ ngày càng rõ rệt. VASEP cho biết có trên 90% doanh nghiệp thủy sản chọn USD là đồng tiền thanh toán cho các đơn hàng xuất khẩu, nên bất cứ sự biến động tỷ giá nào của các đồng ngoại tệ cũng ảnh hưởng đến ngành tôm.
Việc phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu tôm nguyên liệu mà không phát triển những sản phẩm giá trị gia tăng cũng khiến Việt Nam rất bị động khi đối phó việc “làm giá” tôm nguyên liệu của các nước khác. Sở dĩ giá tôm hạ mà người nông dân vẫn phải bán rẻ cho thương lái là do các doanh nghiệp không có khả năng tích trữ tôm nguyên liệu và không sản xuất những mặt hàng qua chế biến. Tôm đến kỳ thu hoạch buộc phải bán đổ bán tháo.
Tình hình xuất khẩu tôm nguyên liệu có thể được cải thiện trong thời gian tới, khi nhu cầu tôm hồi phục và Việt Nam cũng giải quyết được một số vấn đề như khai thông thị trường cũ (Mỹ, Nhật, EU…), mở rộng thị trường mới, song vấn đề cốt lõi của năm 2015 là hiện đại hóa ngành tôm theo hướng bền vững vẫn cần được đẩy mạnh. Trong đó trọng tâm là đầu tư xây dựng thương hiệu, phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng cao, tạo ra uy tín và chỗ đứng vững chắc cho con tôm Việt Nam khi hội nhập sâu hơn vào thị trường thế giới.
>> Tháng 3/2014, tôm Trung Quốc và Ấn Độ đua nhau giảm giá trên thị trường thế giới. Nếu cuộc “đại chiến giá tôm nguyên liệu” của Trung Quốc và Ấn Độ còn kéo dài và giá tôm tiếp tục đi xuống thì ảnh hưởng của nó tới ngành tôm Việt Nam rất lớn. |