Cơ hội với thị trường giống nông nghiệp
- Thứ hai - 01/07/2013 22:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ứng dụng công nghệ cao
Quyết tâm này thể hiện việc TP đầu tư xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) từ năm 2010 trên diện tích 23ha tại quận 12 với kinh phí dự kiến lên đến 100 triệu USD, trong đó xây dựng cơ sở vật chất hiện đại ngang tầm cả nước và khu vực với các phân khu chức năng từ phòng thí nghiệm, khu nghiên cứu sản xuất thử các sản phẩm sinh học, khu đào tạo và hợp tác quốc tế cùng với việc xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ đủ khả năng tiếp cận với lĩnh vực khoa học công nghệ cao, nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trước đó, TPHCM cũng xây dựng Khu Nông nghiệp công nghệ cao với quy mô 80ha tại huyện Củ Chi nhằm thu hút các nhà đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nghiên cứu, sản xuất giống cây các loại. Điển hình như Công ty cổ phần Đầu tư Nhiệt Đới thuê trên 20ha xây dựng nhà lưới hiện đại sản xuất giống cây các loại, nhất là các giống rau, củ, quả.
Ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM cho biết, nhìn thấy tiềm năng to lớn của ngành giống, nhiều doanh nghiệp (DN) đã mạnh dạn nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư phòng nuôi cấy mô, xây dựng khu nhà kính, nhà lưới, kho lạnh bảo quản hạt giống, kể cả xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại, ứng dụng kỹ thuật marker phân tử vào nghiên cứu, giúp việc chọn tạo giống trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn để nâng cao năng lực sản xuất và cung ứng giống.
Thị trường lớn
TPHCM có khoảng 400 doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh giống cây con và thủy sản các loại, trong đó có 46 DN sản xuất kinh doanh giống cây trồng, 41 DN trong số này sản xuất và kinh doanh hạt giống. Hàng năm TP sản xuất trên 8.000 tấn giống các loại. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, các DN sản xuất trên 3.400 tấn giống, gồm 1.660ha lúa giống, 1.515ha bắp giống F1, 204ha rau giống các loại cung cấp nhu cầu sản xuất ở ngoại thành và các tỉnh tương đương khoảng 350.000ha diện tích gieo trồng.
Tuy nhiên, vì khí hậu nước ta là nhiệt đới, nhiều loại cây trồng ngắn ngày như rau, củ, quả, lúa giống có thể trồng quanh năm ở nhiều khu vực khác nhau nên khả năng cung ứng hạt giống của các DN TPHCM và những địa phương khác mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Với khoảng 70% nhu cầu hạt giống các loại còn lại đang được người dân gieo trồng là từ các nguồn nhập khẩu. Như vậy, chưa kể việc xuất khẩu, chỉ cần thay thế dần vai trò số lượng để cung ứng hạt giống cho nội địa đã là một thị trường rộng lớn. Nói cách khác, còn nhiều cơ hội mà các DN có thể tập trung khai thác.
Ngoài ra, nhu cầu về giống lan các loại đáp ứng cho việc chuyển đổi sang nền nông nghiệp đô thị ở TPHCM và các tỉnh lân cận cũng là khoảng trống rất lớn hiện do Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) cung ứng. Trung tâm CNSH hàng năm mới sản xuất khoảng 200.000 cây giống, kế hoạch nâng lên 2 triệu cây giống/năm, một vài công ty khác cũng cung ứng vài triệu mẫu lan giống nên chỉ đáp ứng một phần nhu cầu giống trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, con giống cũng là một nhu cầu to lớn khác mà TPHCM còn có dịp tận dụng để sản xuất, cung ứng như heo giống, cá sấu, bò sữa, giống thủy sản các loại bao gồm cá cảnh…. Tiến sĩ Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm CNSH TPHCM, cho rằng, bên cạnh vai trò của DN, việc kết hợp tốt các viện, trường, huy động được năng lực đội ngũ các nhà khoa học hùng hậu nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ góp phần lớn vào việc khẳng định TPHCM vai trò là một trung tâm hàng đầu cả nước về giống nông nghiệp.
| |
Theo SGGP