DN gạo được ký hợp đồng thương mại ở thị trường tập trung

Sau khi dư luận lên tiếng phản đối Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) muốn Tổng công ty lương thực (Vinafood) độc quyền bán gạo vào một số thị trường tập trung, VFA đã chính thức có văn bản cho phép tất cả các doanh nghiệp được ký hợp đồng thương mại ở thị trường tập trung.
Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh

ụ thể, công văn số 315/CV/HHLTVN do ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA ký hôm 20-6 về việc "xuất khẩu gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung", cho biết các thương nhân được tiếp tục ký hợp đồng thương mại với các nhà nhập khẩu không phải là đầu mối nhập khẩu hợp đồng tập trung ở các thị trường tập trung theo quy định.

Theo công văn nêu trên, VFA cho biết không hạn chế giao dịch ký kết hợp đồng thương mại đối với các loại gạo thơm, nếp và tấm trong thời gian giao dịch và ký hợp đồng tập trung theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Lý do VFA ban hành công văn nêu trên được giải thích là do Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã kết thúc giao dịch và ký hợp đồng tập trung với thị trường Malaysia và Bangladesh.

Tuy nhiên, theo một số người trong cuộc, VFA bỏ quy định cấm thương nhân xuất khẩu gạo vào thị trường tập trung trong thời gian Vinafood 1 và Vinafood 2 đang thực hiện giao dịch vào những thị trường này là do dư luận lên tiếng phản đối. 

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng VFA chưa từng có thông báo “xả cửa” như tại công văn này. “Cái này chắc do báo nào cũng nêu, rồi doanh nghiệp nào cũng nói, nên họ ra thông báo này”, ông nói.

Trước đó, vào ngày 6-6-2017, VFA có công văn số 164/CV/HHLTVN về việc "chuẩn bị đấu thầu và ký kết hợp đồng tập trung" gửi đến các thương nhân xuất khẩu gạo, cho rằng Vinafood 1 và Vinafood 2 là hai đầu mối được Chính phủ chỉ định, đang giao dịch hợp đồng tập trung với Bangladesh, Malaysia và chuẩn bị dự thầu mua gạo của Philippines.

Chính vì vậy, VFA đề nghị các thương nhân xuất khẩu gạo không được giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo hoặc để bên mua tái xuất khẩu gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung nêu trên trong thời gian từ ngày 6-6-2017 đến khi hai tổng công ty kết thúc giao dịch và ký kết hợp đồng.

Trước vấn đề này, dư luận đã lên tiếng phản đối khi cho rằng đây là việc làm gây cản trợ xuất khẩu gạo của doanh nghiệp, đặc biệt là khi Việt Nam đang rất cần bán gạo.

Theo thesaigontimes.vn