Đẩy mạnh chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững ở Việt Nam

Trong hai năm tới, IFC sẽ hỗ trợ Lộc Trời thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn và thông lệ canh tác của Tổ chức Lúa gạo bền vững

Ngày 7/12/2016 tại Singapore, IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới và Tập đoàn Lộc Trời, nhà cung cấp các sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp hàng đầu tại Việt Nam đã chính thức khởi động dự án tư vấn, giúp mở rộng việc áp dụng các tiêu chuẩn và tập quán canh tác nông nghiệp bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo của Tập đoàn này.

Trong hai năm tới, IFC sẽ hỗ trợ Lộc Trời thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn và thông lệ canh tác của Tổ chức Lúa gạo bền vững (SRP), một tổ chức hợp tác đa phương nhằm tăng cường sử dụng tài nguyên hiệu quả và bền vững ở từng nông hộ cũng như xuyên suốt chuỗi giá trị lúa gạo.

Hợp tác này sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần trên thị trường quốc tế, gia tăng lợi nhuận một cách bền vững và cải thiện đời sống nông dân.

Khoảng 4.000 nông dân sẽ được tập huấn nông nghiệp mới giúp trồng lúa gạo đạt chất lượng cao, năng suất và bền vững. Dự án sẽ thực hiện giai đoạn thử nghiệm đầu tiên và sau đó nhân rộng.

Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, IFC sẽ đóng góp các kinh nghiệm quốc tế chuyển giao kiến thức và kỹ năng về nông nghiệp giúp các doanh nghiệp mang lại thu nhập tốt hơn cho các cổ đông của mình và tạo ra tương lai tươi sáng hơn cho nông dân.

“Chúng tôi sẽ tăng cường các hoạt động kiểm soát chất lượng và kiểm tra chặt chẽ tất cả các khâu trong chuỗi giá trị. Đặc biệt, dự án sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo hiệu quả để đảm bảo việc áp dụng bộ tiêu chuẩn và quy trình canh tác phải đạt chuẩn SRP tại vùng nguyên liệu. Nhờ đó, chúng tôi có khả năng xây dựng một thương hiệu gạo chất lượng chuyên biệt, đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế” - ông Thòn cho biết.

Tập đoàn Lộc Trời đã tiên phong trong việc xây dựng mô hình chuỗi lúa gạo khép kín, với khoảng 25.000 nông hộ tham gia trong chuỗi của mình. Tập đoàn mong muốn thiết lập và quản lý chuỗi lúa gạo bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long, được biết đến như “vựa lúa” của Việt Nam.

Tại Việt Nam, các hoạt động tư vấn của IFC trong ngành nông nghiệp được thực hiện với sự hỗ trợ của Chính phủ Canada. “Với sự hỗ trợ của chúng tôi cùng sự tham gia của khu vực tư nhân, sáng kiến này sẽ làm lợi cho hàng ngàn nông dân Việt Nam” - Ngài Ping Kitnikone, Đại sứ Canada tại Việt Nam tin tưởng.

Sáng kiến này cũng đóng góp vào việc triển khai chương trình tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp của Việt Nam, một kế hoạch toàn diện nhằm nâng cao tính cạnh tranh của ngành và giúp tận dụng tốt hơn các cơ hội trên thị trường quốc tế. Dù hiện là một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng tăng về giá và chất lượng từ các nước khác như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Campuchia và Myanmar.

“Hợp tác này cho phép IFC tiếp tục tham gia vào quá trình đổi mới ngành nông nghiệp Việt Nam, tạo cơ hội cho người nông dân tiếp cận các kiến thức, kỹ năng và tài chính thích hợp nhằm cải thiện sinh kế bền vững”, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia, và Lào nhấn mạnh.