Để được Úc chấp nhận nhập khẩu, thanh long Việt phải 'chất' đến mức nào?
- Thứ hai - 25/09/2017 04:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lần đầu tiên xuất khẩu thanh long sang Úc
Ngày 20/9 vừa qua, tại nhà máy xử lý hơi nước nóng Hoàng Phát của Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sự kiện công bố lô thanh long đầu tiên xuất khẩu sang Úc
Ông Nguyễn Khắc Huy, giám đốc công ty này, cho biết lô hàng đầu tiên có 600 thùng (5kg/thùng, tương đương 3 tấn) sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không đến Úc. Sau lô hàng này, còn nhiều đơn hàng nối tiếp và DN có thể vận chuyển cả bằng tàu biển để hạ giá.
Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất hiện nay được Úc cấp phép nhập khẩu thanh long sau nhiều năm đàm phán. Cuối tháng 8 vừa qua, Úc chính thức chấp thuận mở cửa cho quả thanh long, song song với việc Việt Nam cho phép nhập khẩu trở lại quả cherry Úc.
Đến nay cả nước có 32 tỉnh, thành trồng thanh long với khoảng 25 ngàn ha, sản lượng trên 460 ngàn tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 150 triệu USD. Thanh long Việt Nam có 2 loại, hầu hết là ruột trắng, chỉ một số ít là ruột đỏ. Các địa phương trồng thanh long nhiều nhất là Bình Thuận, Tiền Giang, Long An.
Chất lượng thanh long Việt Nam đã đạt các tiêu chí và yêu cầu khắt khe của nhiều thị trường khó tính, là loại trái cây Việt Nam đầu tiên được cấp mã số xuất khẩu, được cấp phép vào thị trường Mỹ. Năm 2012, thanh long Bình Thuận đã được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp chứng chỉ bảo hộ nhãn hiệu.
Việt Nam vừa xuất khẩu lô thanh long đầu tiên sang Úc. Ảnh minh họa: nguồn Tạp chí Công nghiệp và Tiêu dùng
Theo đánh giá của DN, tiềm năng của thị trường thanh long tại Úc khá lớn. Từ đầu năm đến nay, trong hơn 2 tỉ USD thu về từ xuất khẩu rau quả, có hơn 1 tỉ USD là từ thanh long (chiếm hơn 50% kim ngạch). Đây là loại quả Việt Nam rất có lợi thế, có khả năng mở rộng vùng trồng, đáp ứng yêu cầu của thị trường về chất lượng, độ đồng đều, bảo quản lâu, có thể vận chuyển bằng tàu biển.
Thanh long là mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 895,7 triệu USD, chiếm tỷ trọng 50,3% trong xuất khẩu trái cây tươi và 36,1% trong tổng xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Thanh long tươi là một trong những mặt hàng nông nghiệp được ưu tiên hàng đầu để tiếp cận thị trường Úc. Úc cũng đang đẩy nhanh tiến độ xét duyệt cho các loại quả tươi khác của Việt Nam vào thị trường Úc.
Năm ngoái, mùa vải năm 2016, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu được khoảng 30 tấn vải thiều vào thị trường Úc và năm nay dự tính đạt khoảng 100 tấn. Trong năm 2017, ngoài vải thiều, quả xoài của tỉnh Sơn La cũng sẽ được xử lý chiếu xạ để xuất khẩu vào Úc.
Thanh long xuất khẩu có chất lượng cao, nhiều yêu cầu khắt khe
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, để có thể xuất khẩu vào thị trường Úc, doanh nghiệp xuất khẩu phải đảm bảo hàng loạt các quy định khắt khe. Cụ thể, trước khi nhập khẩu vào Úc, doanh nghiệp cần có giấy phép hợp lệ do Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc cấp. Muốn có giấy phép, doanh nghiệp nhập khẩu cần nộp đơn xin phép nhập khẩu.
Trước khi xuất khẩu, thanh long cũng phải được Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận không bị nhiễm côn trùng trong diện kiểm soát an toàn sinh học (kiểm dịch). Thanh long phải có nguồn gốc, sản xuất và xuất khẩu từ Việt Nam phù hợp với các điều kiện và chương trình có liên quan.
Để chứng minh cho sự phù hợp với các yêu cầu này, trên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật gốc phải được cấp bởi Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam. Đáng lưu ý, thanh long tươi từ Việt Nam phải được xử lý trước khi vận chuyển hàng bằng phương pháp nhiệt hơi (VHT) với thời gian 40 phút ở nhiệt độ 46,5 độ C, độ ẩm 90% trở lên tại một cơ sở xử lý được Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam phê duyệt.
Thanh long xuất khẩu có chất lượng cao, đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn khắt khe. Ảnh minh họa: VTV
Hàng hoá phải không có côn trùng và bệnh dịch và không được lẫn các chất ô nhiễm, bao gồm lá cây, cành cây, đất, hạt cỏ dại, mảnh vụn và các loại thực vật khác trừ 1cm cuống của quả thanh long. Bao bì phải được làm từ vật liệu tổng hợp hoặc vật liệu chế biến cao nếu có nguồn gốc thực vật. Bao bì không được làm bằng nguyên liệu thực vật chưa qua chế biến chẳng hạn như rơm. Các thùng carton hoặc kiện hàng đơn lẻ phải được dán nhãn với một số nhận dạng duy nhất để thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc. Kiện hàng phải được buộc chắc chắn.
Sản phẩm đã được xử lý phải được bảo vệ khỏi các côn trùng gây hại trong quá trình đóng gói và sau khi đóng gói, xử lý, lưu kho và vận chuyển giữa các địa điểm. Sản phẩm đã được kiểm tra và chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải được duy trì trong điều kiện an toàn để không bị lẫn với trái cây xuất khẩu đi các thị trường khác hoặc để tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Không những thế, container phải được kiểm tra bởi Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam trước khi xếp hàng để đảm bảo không có côn trùng và các lỗ thông hơi phải được phủ kín không cho côn trùng xâm nhập.
Bộ Nông nghiệp Úc có thể rà soát chính sách nhập khẩu bất cứ lúc nào sau khi thương mại bắt đầu hoặc khi tình trạng sâu bệnh và kiểm dịch thực vật tại Việt Nam bị thay đổi.
Phong Lâm/vietq.vn