Để không thừa không thiếu

Để không thừa không thiếu
Có thể nói, sử dụng thịt heo là một nét đặc trưng ẩm thực của người Việt Nam, ngoài ra, việc tận dụng các phế phẩm để chăn nuôi heo cũng khiến cho số hộ chăn nuôi rất nhiều.

Năm 2017, khủng hoảng thừa thịt heo khiến người nuôi lao đao Ảnh: CTV
Năm 2017, khủng hoảng thừa thịt heo khiến người nuôi lao đao     Ảnh: CTV

  

Ước tính có khoảng 3 triệu hộ nhỏ lẻ đang nuôi heo, chưa kể các thành phần khác. Việc ngành nông nghiệp đặt mục tiêu từ nay đến 2019 phải giảm đàn nái từ 4,2 triệu con xuống còn 3 triệu con, đã cho thấy bất cập trong việc quá chú ý đến chăn nuôi lớn. Chỉ riêng Hà Nội đã có hơn 1,4 triệu con heo, trong đó đàn nái hơn 220.000 con. Ngành hàng thịt heo chiếm tỷ trọng trên 70% thị phần các sản phẩm chăn nuôi cũng như cơ cấu tiêu dùng thực phẩm hằng ngày của người Việt Nam đã cho thấy sự mất cân đối trong các sản phẩm chăn nuôi. Chính điều này là một trong những lý do mấy năm qua thị trường xuất hiện hiện tượng nhập khẩu gà, bò, trâu… Đó là vì nhiều lĩnh vực khác trong ngành chăn nuôi chưa phát triển tương xứng với tiềm năng do quá chú trọng đến ngành hàng thịt heo. Trong khi đó, giá thành sản xuất thịt heo của Việt Nam là 2,08 USD/kg, trong khi Mỹ là 1,41 USD/kg; thịt bò 2,53 USD/kg trong khi Australia 1,77 USD/kg. Mặc dù thịt heo thống trị trên thị trường, song lại là một trong những ngành hàng chậm phát triển nhất, lạc hậu nhất.. 

Điều này dẫn đến thị trường sản phẩm chăn nuôi Việt Nam hiện vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa các sản phẩm thịt heo mà thiếu sản phẩm của các ngành khác. Thống kê cho thấy năm 2015, nước ta nhập khẩu 419.952 con trâu bò sống, thịt trâu bò không xương là 854 tấn, thịt trâu bò có xương là 4.845 tấn, thịt dê, cừu 890 tấn. Liên tục mấy năm qua, một lượng bò sống rất lớn được nhập khẩu từ Australia, Thái Lan về Việt Nam với mục đích giết thịt. Trong khi đó, tại Việt Nam chỉ chú trọng phát triển đàn bò sữa. Mặt khác, tuy sản lượng thịt heo rất lớn, thị trường trong nước không thể tiêu thụ hết, buộc phải cắt giảm hàng triệu con heo nái, nhưng ngành chăn nuôi lại thiếu sản phẩm thịt heo có thể xuất khẩu chính ngạch, do chưa đảm bảo các tiêu chí để xuất khẩu chính ngạch. 

Để phát triển một ngành chăn nuôi đa dạng, nhiều sức cạnh tranh và có khả năng xuất khẩu, chắc chắn ngành chăn nuôi Việt Nam, các doanh nghiệp, trang trại và bản thân người nuôi cần tránh tình trạng “nuôi theo phong trào” mà phải theo cung - cầu của thị trường, cung cấp sản phẩm mà thị trường cần chứ không phải cung cấp cái mình có.

Nguồn: nguoichannuoi.com