Để trái cây Việt Nam vươn xa mà không bị mất thị trường

Tin vui vừa đến với người nông dân trong nước là sau chôm chôm, thanh long, giờ đây quả vải và nhãn Việt Nam đã được phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ.

Niềm vui đến cũng song hành với những thách thức lớn bởi để làm sao hai loại trái cây vốn chỉ được tiêu thụ ở những thị trường khó tính với hàng loạt yêu cầu khắt khe. Điều này cũng đặt ra bài toán về sự thay đổi trong quy hoạch và cách thức tổ chức sản xuất, chế biến nông sản để không chỉ vải, nhãn mà ngày càng nhiều trái cây Việt Nam có thể vươn xa.

Vải thiều Lục Ngạn, Thanh Hà hay nhãn lồng Hưng Yên vốn là những loại trái cây “tiến vua”, nổi tiếng ngon ngọt của nước ta. Nhưng hiện nay, những loại trái cây này đã được trồng mở rộng, thậm chí phát triển ồ ạt ở nhiều địa phương lên đến vài trăm ngàn ha. Cũng chính vì sự mở rộng ồ ạt, thiếu quy hoạch, chưa quan tâm đến chất lượng, không tính đến thị trường nên những năm qua, quả vải đã liên tiếp “vấp” phải cảnh “được mùa mất giá”, khó tiêu thụ hoặc hầu hết chỉ tiêu thụ với giá rẻ, ở những thị trường dễ tính như Trung Quốc.

 

Quả nhãn Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ (ảnh minh họa- Tiền phong)

 

Nay thông tin Bộ Nông nghiệp Mỹ cho phép nhập khẩu vải, nhãn Việt Nam vào Mỹ đã mở ra cánh cửa mới cho loại trái cây này. Sự việc này cũng đặt ra nhiều hy vọng và mong đợi về một tương lai tươi sáng không chỉ cho vải và nhãn mà còn đối với nhiều loại trái cây khác của nước ta khi thị trường tiêu thụ đang là nỗi trăn trở hàng đầu của bà con nông dân.

Để được xuất đi Mỹ, sản phẩm phải đảm bảo độ an toàn tuyệt đối vì thị trường Mỹ vô cùng khó tính. Quả vải và nhãn phải được trồng ở vùng đăng ký và được Cục Bảo vệ thực vật theo dõi, đảm bảo không có mầm bệnh. Trước khi xuất khẩu, nông sản nước ta phải được chiếu xạ chống ký sinh trùng; mỗi lô hàng phải có chứng chỉ về an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng Việt Nam và chứng chỉ nguồn gốc xuất xứ… mới được phép xuất khẩu vào Mỹ.

Đặc biệt, các loại vải, nhãn cũng phải chịu các quy định ngặt nghèo liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Như thế, quy trình sản xuất dễ dãi như hiện nay phải hoàn toàn thay đổi.

Điều quan trọng nhất lúc này chính là xây dựng chỉ dẫn địa lý cho quả vải, nhãn, thực hiện tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong trồng trọt, đóng gói và xuất khẩu, xây dựng chuỗi ung ứng, sản xuất và xuất khẩu sạch để gây dựng niềm tin, giữ vững thị trường. Còn nếu chúng ta không đáp ứng được quy định từ phía Bộ Nông nghiệp Mỹ, họ sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt, khi đó sẽ mất thị trường và rất khó để có cơ hội quay trở lại.

Đây là cơ hội và cũng có thể coi là bước tập dượt để nông dân và ngành nông nghiệp nước nhà thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị cho nông sản trong nước, tạo hướng mở ra nhiều thị trường khó tính trên thế giới.

Một đất nước nông nghiệp với nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng thơm ngon; người nông dân chăm chỉ, sáng tạo thế nhưng rất tiếc, nhiều nông sản lại thường xuyên rơi vào cảnh mất giá, khó tiêu thụ, thậm chí phải đổ bỏ khi thu hoạch rộ. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng việc thiếu quy hoạch vùng sản xuất chặt chẽ, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm là những lý do chính khiến trái cây Việt tiếp tục điệp khúc ế ẩm, giá bán thấp hơn giá thành.

Thế nên, bên cạnh niềm vui khi hai loại trái cây vốn khó khăn về thị trường là vải, nhãn của nước ta được nhập khẩu vào Mỹ, nông dân và ngành nông nghiệp nước nhà cũng cần nhìn lại mình, thay đổi thói quen sản xuất dễ dãi, theo chiều rộng hiện nay; cần thực hiện quy hoạch chặt chẽ, đầu tư công nghệ sản xuất – chế biến bài bản, khoa học để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho nông sản. Có như vậy, trái cây Việt mới có thể vươn xa./.

Hương Lan/VOV1