Đề xuất 3 phương án mua tạm trữ gạo

Đề xuất 3 phương án mua tạm trữ gạo
Ngày 23.5, tại TP.Cần Thơ, Bộ NNPTNT đã tổ chức họp bàn về phương án mua tạm trữ lúa, gạo vụ hè thu 2013 và góp ý kiến cho Dự thảo Quy chế thu mua lúa, gạo tạm trữ để trình Chính phủ thông qua.

Tồn kho gạo lớn

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tổng sản lượng lúa hè thu vùng ĐBSCL dự kiến trên 9 triệu tấn lúa, sản lượng gạo là 4,652 triệu tấn và gạo hàng hóa là 3,110 triệu tấn sẽ được thu hoạch rộ vào tháng 7 - 8.2013.

Trong khi đó, theo dự báo thị trường gạo thế giới năm 2013 tiếp tục diễn biến bất lợi cho xuất khẩu gạo Việt Nam do: Lượng gạo hàng hóa cần tiêu thụ năm 2013 trong nước ở mức cao, chưa kể lượng gạo tồn kho của năm 2012 (theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam- VFA) là 787,45 ngàn tấn. Sản lượng gạo toàn cầu năm 2013 được dự báo tăng đáng kể; đây là vụ thứ 8 liên tiếp cung vượt cầu (năm nay dự báo cung vượt cầu 171 triệu tấn) do đó, dự báo giá gạo thế giới trong thời gian tới khó có biến động tăng, hiện vẫn đang nằm trong xu hướng giảm.

Mặt khác, nhu cầu nhập khẩu của một số quốc gia châu Á được dự báo giảm; cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu ngày càng gay gắt và có nhiều đối thủ mới, nhất là đối với thị trường xuất khẩu gạo phẩm cấp trung bình và thấp cấp…

“Do vậy, để đảm bảo ổn định giá lúa, gạo hàng hóa, ngăn ngừa được hiện tượng sụt giảm giá sâu đặc biệt vào thời điểm thu hoạch rộ, nhằm đảm bảo lợi nhuận tối thiểu cho nông dân, Bộ NNPTNT xây dựng kế hoạch tạm trữ lúa, gạo vụ hè thu năm 2013 để trên cơ sở đó trình Thủ tướng Chính phủ” – ông Nguyễn Trọng Thừa – Cục trưởng Cục Chế biến – Thương mại nông lâm sản và nghề muối nhấn mạnh.

Theo đó, số lượng đề nghị dự kiến thu mua cho tạm trữ vụ hè thu khoảng 1 triệu tấn quy gạo (chiếm khoảng 30% sản lượng hè thu); thời gian thu mua tạm trữ trong khoảng 60 ngày từ giữa ngày 15.6 đến 15.8.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu kiến nghị cần tăng sản lượng thu mua tạm trữ lên 1,5 triệu tấn quy gạo. “Cần phải tăng sản lượng thu mua vụ hè thu lên 1,5 triệu tấn quy gạo, việc tăng sản lượng thu mua sẽ góp phần giải quyết được lượng gạo hàng hóa tồn kho của các địa phương” – ông Phan Anh Vũ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long kiến nghị.

Địa phương khó mua tạm trữ

Tại Hội nghị, Bộ NNPTNT cũng công bố Dự thảo Quy chế mua tạm trữ lúa, gạo tại ĐBSCL. Theo dự thảo, căn cứ vào tình hình thực tế, Thủ tướng Chính phủ sẽ giao cho cơ quan làm đầu mối phân giao và tổ chức mua tạm trữ theo một trong 3 phương án.

Phương án 1: Giao VFA làm đầu mối phân giao cho các thương nhân xuất khẩu gạo thực hiện mua tạm trữ lúa, gạo. Phương án 2: Giao UBND các tỉnh, thành phố ĐBSCL phân giao cho các hộ nông dân, chủ trang trại, tổ hợp tác xã trồng và sản xuất lúa, gạo, các thương nhân thuộc địa bàn tỉnh hoặc ngoài tỉnh thực hiện mua tạm trữ lúa, gạo. Phương án 3: Giao UBND các tỉnh, thành phố làm đầu mối phân giao và tổ chức mua tạm trữ lúa, gạo tại địa bàn trên cơ sở lượng lúa, gạo được phân bổ.

Nhiều đại biểu cho rằng, việc phân bổ mua tạm trữ lúa, gạo giao về địa phương làm “chủ xị” là không khả thi. Vấn đề này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, quy định cụ thể trách nhiệm rõ ràng giữa VFA với lãnh đạo các địa phương, nên giao VFA làm đầu mối phân bổ. Bên cạnh đó, nên phân bổ chỉ tiêu tạm trữ theo sản lượng của từng địa phương, năng lực của từng doanh nghiệp…

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám: “Đối với chính sách mua, tạm trữ gạo, Bộ NNPTNT khuyến khích các thương nhân thu mua gắn với địa bàn vùng nguyên liệu, gắn với cánh đồng mẫu lớn. Song song đó, sẽ nghiên cứu khuyến khích thương nhân, doanh nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản xuất, gắn với người sản xuất lúa để nông dân đạt được nhiều lợi ích hơn”.

 

Báo Nông thôn ngày nay