Đến lượt người Philippines cũng "đòi" ăn gạo thơm, đặc sản
- Thứ hai - 19/03/2018 03:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cuối tuần qua, hôm 9.3, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởngBộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị Liên kết và tiêu thụ lúa gạo, mở rộng vùng nguyên liệu gạo an toàn, chất lượng cao tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Nguyễn Thị Phương Nga, làm việc cho tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho biết dự án BRIA (dự án Sáng kiến phát triển sản xuất lúa gạo khu vực châu Á) ở ba tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang từ 2014 – 2017, thực hiện 22 mô hình công – tư với hơn 2.400 hộ nông dân tham gia, cho thấy giá thu mua lúa của doanh nghiệp cao hơn giá thị trường 50 – 100 đồng/kg; mức độ thực hiện hợp đồng từ 50 – 100%. Hiệu quả cao nhờ giảm sử dụng lúa giống, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, tăng lợi nhuận, tạo sản lượng trên 48.500 tấn gạo chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường EU. Tuy nhiên, quy mô thực hiện cũng chỉ trên 3.300ha.
Gạo sạch của Angimex. Ảnh: Ngọc Bích.
Trong khi đó, Vinafood 2 bắt tay xây dựng vùng nguyên liệu lúa từ năm 2014 – 2016, có CĐL quy mô diện tích 38.600ha, hơn 32.200 nông dân tham gia, tăng 2,67 lần so năm 2014, sản lượng lúa mua theo hợp đồng từ 40 – 60%. Nhưng năm 2017, diện tích giảm trên 10.000ha (còn 28.500ha), lượng lúa mua theo hợp đồng chỉ đạt 30%. Năm 2018, Vinafood 2 mong muốn liên kết sản xuất – tiêu thụ lúa trên quy mô 29.400ha, trong đó hơn 7.400ha lúa chất lượng cao, đạt chuẩn an toàn thực phẩm; ước sản lượng lúa thu hoạch trên 179.000 tấn.
Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, cho biết nền nông nghiệp nước ta với 12 triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ cần phải tổ chức lại mới có thể ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị nông phẩm có khả năng cạnh tranh. Nhưng làm thế nào tổ chức liên kết sản xuất hiệu quả, chọn ai làm đầu mối? Doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ sản phẩm, là hạt nhân, có tiềm lực để tham gia xây dựng vùng nguyên liệu ổn định? Theo ông Trung, doanh nghiệp nên liên kết với các HTX nông nghiệp.
Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Thấm, giám đốc HTX Đức Huệ, Đồng Tháp, đang vận hành HTX theo phương thức nhận thuê đất của nông dân, cho biết cách làm này giúp HTX tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn, nông dân được lợi vì nông dân thu được 39 triệu đồng sau ba vụ/năm, mà không phải bỏ vốn đầu tư. Vụ vừa qua, năng suất bình quân 7 tấn/ha, giá lúa bình quân 5.000 đồng/kg, doanh thu 35 triệu đồng/ha. HTX có nguồn gạo đủ chuẩn để thương lượng, bán ra. Nông dân có lợi tức ổn định. Tuy nhiên, tất cả chỉ là những con số khiêm tốn so thực tế và nhu cầu.
Theo hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thị trường xuất khẩu gạo tập trung, truyền thống (Philippines, Malaysia, Indonesia…) đòi hỏi gạo thơm, gạo đặc sản, gạo chất lượng cao và an toàn thực phẩm, nhưng do không được đáp ứng khi chính sách, điều kiện và yêu cầu về chất lượng gạo nhập khẩu đã thay đổi từ nước nhập khẩu, nhất là yêu cầu truy xuất nguồn gốc, nên thị phần có xu hướng ngày càng thu hẹp. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh lương thực muốn tồn tại và phát triển phải bắt tay thực hiện liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng lúa gạo đạt chuẩn an toàn, không chỉ có giá cạnh tranh, mà còn phải bảo đảm yêu cầu truy xuất hàng hoá.
Theo Đức Toàn (Thế giới tiếp thị)