Diêm dân tỉnh Bến Tre đang bước vào vụ thu hoạch muối. Ông Nguyễn Hữu Định một diêm dân thuộc làng nghề sản xuất muối xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại – một trong hai vùng sản xuất muối trọng điểm của tỉnh Bến Tre cho biết: chưa có năm nào giá muối rớt thảm như năm nay, dù năng suất đạt hơn 60 tấn/ha nhưng sau khi trừ chi phí đầu tư coi như trắng tay. “Lúc đầu mùa muối hơn 40.000 đồng/giạ nhưng nay hạ xuống chỉ còn phân nửa giá tiền. Nếu mình cần bán thì thương lái tranh ép giá nên sụt hơn nữa cũng có. Họ cứ ép giá tới, nếu mình không bán thì người khác cũng bán”.
Còn ông Trần Văn Đọt, một hộ dân cả đời gắn bó với nghề muối cho rằng vẫn biết giá muối lúc tăng lúc giảm nhưng do không có điều kiện bảo quản, thiếu vốn nên gia đình không có cách nào khác là làm đến đâu bán đến đó, do đó lúc nào cũng bị thiệt trước biến động thời tiết cũng như giá cả.
Theo ông Phạm Thanh Sang, Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại nguyên nhân sản phẩm muối của làng nghề Thạnh Phước khó tiêu thụ không chỉ vì sức mua yếu, chất lượng muối sụt giảm do nắng quá gắt, kéo dài mà một phần do sản xuất thiếu liên kết nên không tìm được mối lớn để tiêu thụ ổn định, trong khi hạ tầng giao thông chưa được cải thiên làm chi phí vận chuyển giá đội lên. Trong đó ngay cả làng nghề muối Thạnh Phước mặc dù đã được tỉnh công nhận cách nay 02 năm nhưng vẫn không có gì khác biệt.
“Vụ muối năm nay về sản lượng thì đạt nhưng giá thấp quá. Bởi vì sản phẩm làm ra không được bao tiêu, chủ yếu bán cho thương buông nhỏ lẻ. Nghề muối ở đây đã được công nhận nhận làng nghề, tuy nhiên đường giao thông phục vụ cho làng nghề vẫn chưa được đầu tư. Từ hạ tầng chưa tốt, việc vận chuyển khó khăn nên thương lái thương gây khó dễ cho bà con diêm dân”- ông Sang nói.
Tỉnh Bến Tre có gần 1.600 ha diện tích sản xuất muối, sản lượng ước đạt trên 80.000 tấn nhưng hiện địa phương còn tồn hơn 46.000 tấn muối không có thị trường tiêu thụ, trong số này phần lớn là của làng nghề muối Thạnh Phước.
Nhiều năm qua, đời sống của diêm dân rất khó khăn, thị trường rớt giá liên tục tái diễn. Theo khuyến cáo, diêm dân cần liên kết làm ăn theo mô hình tập thể để có thể vay vốn ngân hàng tổ chức lại sản suất. Thế nhưng quan trọng là sự đầu tư hạ tầng của tỉnh cùng với các chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực sản xuất, chế biến muối và các sản phẩm sau muối. Có như vậy Bến Tre mới phát huy lợi thế sản xuất muối ở địa phương, cuộc sống của diêm dân ổn định hơn và tiếp tục gắn bó với nghề.