"Điểm danh" các loại trái cây Việt xuất sang thị trường khó tính

"Điểm danh" các loại trái cây Việt xuất sang thị trường khó tính
Tính đến nay, trái cây Việt Nam đã thâm nhập thị trường của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự tăng trưởng xuất khẩu trái cây cho thấy chất lượng sản phẩm khá cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc.

 2.jpgẢnh minh họa.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2016 (1,7 tỷ USD). Năm 2018, con số này là trên 4 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu rau quả ước đạt 2,06 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2018. Mặt hàng rau có giá trị xuất khẩu ước đạt 272 triệu USD, tăng 1,1% và mặt hàng trái cây có giá trị là 1,6 tỷ USD tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Tính đến nay, trái cây Việt Nam đã thâm nhập thị trường của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự tăng trưởng xuất khẩu trái cây cho thấy chất lượng sản phẩm khá cao, đồng nghĩa với việc sản xuất nông nghiệp đã đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc.

Thông tin về trái nhãn tươi của Việt Nam chính thức được xuất khẩu sang thị trường rộng lớn với nhiều yêu cầu khắt khe của Australia một lần nữa tiếp thêm hy vọng và động lực cho người nông dân cũng như các doanh nghiệp Việt trên con đường đưa nông sản Việt đi chinh phục thế giới.

Thanh long là loại trái cây đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ năm 2008. Kể từ đó đến nay, lượng thanh long xuất khẩu vào thị trường này tăng theo từng năm. Nếu năm đầu tiên là 100 tấn thì đến năm 2012, con số này đã tăng gấp 10 lần, lên 1.200 tấn.

Sau đó, nhãn, chôm chôm, vải thiều, vú sữa cũng đã có mặt tại thị trường Hoa Kỳ trong những năm qua.

Đến giữa tháng 2/2019, sau hơn 10 năm đàm phán, xoài là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam chính thức được cấp phép vào thị trường khắt khe này, đưa Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu thứ 40 của trái xoài Việt Nam.

Tại thị trường New Zealand, cuối năm 2018, lô chôm chôm đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường New Zealand. Như vậy, sau thanh long và xoài, chôm chôm là loại trái cây thứ 3 của Việt Nam vào được New Zealand, thị trường vốn nổi tiếng khó tính với các yêu cầu, tiêu chuẩn kiểm dịch rất cao. Điều đáng nói là chưa có nước nào được xuất khẩu trái chôm chôm vào quốc gia này.

Tại thị trường Nhật Bản, từ năm 2009, trái thanh long ruột trắng bắt đầu hành trình chinh phục người tiêu dùng Nhật Bản - thị trường khó tính bậc nhất thế giới.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, thanh long đỏ cũng được chấp thuận nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này. Hiện thanh long là loại trái cây được xuất khẩu đều đặn sang Nhật Bản, chiếm phần lớn trong hơn 1.000 tấn thanh long mà nước này nhập khẩu mỗi năm.

Từ năm 2014, một số doanh nghiệp tại Việt Nam đã đàm phán và xuất khẩu thành công lô vải thiều sang Nhật Bản và tiếp tục duy trì đến nay.

Đến cuối năm 2015, lô xoài Cát Chu đầu tiên được xuất khẩu vào Nhật Bản, sau 5 năm chuẩn bị hồ sơ, xây dựng quy trình xử lý dịch hại mới được phía Nhật chấp thuận.

Tại thị trường Australia, hằng năm nước này nhập rau củ quả của Việt Nam với trị giá khoảng 20 triệu USD.

Ngày 17/4/2015, sau hơn 12 năm đàm phán, Australia đã cấp giấp phép nhập trái vải của Việt Nam.

Tiếp theo, tháng 8/2016, Australia cấp phép nhập xoài Việt Nam và ngày 24/8/2017, cấp phép nhập trái thanh long sau 7 năm đàm phán.

Ngày 29/8/2019, quả nhãn tươi trở thành loại trái cây thứ 4 được phép vào thị trường Australia sau khi vượt qua nhiều quy chuẩn kiểm tra chất lượng.

Việc trái nhãn tươi chính thức được xuất khẩu sang thị trường Australia một lần nữa tiếp thêm hy vọng và động lực cho người nông dân cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Tiếp theo vải, xoài và thanh long, Australia tiếp tục trao chứng nhận xuất khẩu cho quả nhãn tươi Việt Nam. Đây là một tin vui đối với ngành nông nghiệp Việt, bởi sau một thời gian dài đàm phán và hoàn thiện các thủ tục, nhãn tươi Việt Nam đã trở thành loại trái cây tươi thứ 4 chính thức được xuất khẩu vào thị trường Australia.

Xuất khẩu thủy sản 2019 ước đạt 9 tỷ USD

Theo VASEP, trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản đã đạt 4,7 tỷ USD, gần tương đương cùng kỳ 2018. Trong đó, tôm chiếm 38% giá trị xuất khẩu thủy sản; cá tra chiếm hơn 24%; cá ngừ 9%, mực, bạch tuộc và nhuyễn thể 2 mảnh vỏ chiếm 8,4%; các các loại khác 19%.

1.jpg
Chế biến tôm phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH kinh doanh chế biến Thủy sản xuất nhập khẩu Quốc Việt. (Ảnh: TTXVN)
 
 

Dự báo xuất khẩu tôm nửa cuối năm sẽ tăng dần và có thể tăng nhẹ khoảng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,95 tỷ USD. Qua đó, đưa tổng giá trị xuất khẩu tôm cả năm lên 3,4 tỷ USD, giảm 4% so năm 2018.

Xuất khẩu cá tra nửa cuối năm dự báo giảm nhẹ 2% so cùng kỳ 2018, đạt 1,23 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu cá tra cả năm đạt 2,23 tỷ USD, giảm 3% so năm 2018.

Giá trị xuất khẩu hải sản trong nửa cuối năm dự báo sẽ đạt 1,8 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó đưa tổng giá trị xuất khẩu hải sản cả năm sẽ đạt khoảng 3,3 tỷ USD, tăng gần 12% so 2018.

Với dự báo như trên, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm nay có thể đạt 5 tỷ USD (tăng 4%), đưa tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả năm đạt 8,9 tỷ USD, tăng 1,4% so với năm 2018.

Liên quan đến việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ, theo đó, 31 doanh nghiệp của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế 0%, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đây là thông tin tốt cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Theo ông Trương Đình Hòe, đây là cơ sở, điều kiện thuận lợi để sản phẩm tôm của Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác tại thị trường Mỹ.

Việc Mỹ công nhận 31 doanh nghiệp của Việt Nam không bán phá giá là điều kiện tốt cho các doanh nghiệp phát triển, tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này. Quan trọng là với mức thuế thấp thì sản phẩm tôm của Việt Nam mới cạnh tranh được với các nước khác.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu tôm thời gian tới, ông Hòe cho rằng, thông thường nhu cầu tiêu thụ tôm vào dịp cuối năm thường tăng mạnh, do đó khả năng xuất khẩu tôm trong thời gian tới sẽ khởi sắc hơn. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào nguồn tôm nguyên liệu trong nước.

Dự báo, năm 2020 xuất khẩu tôm sẽ có sự khởi sắc, nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là nguồn nguyên liệu trong nước có đáp ứng đủ hay không. Thực tế hiện nay, với chu kỳ nuôi ngắn, khi tín hiệu thị trường tốt, các doanh nghiệp, người nuôi sẽ đẩy mạnh sản xuất nuôi tôm thì mới có thể đáp ứng nhu cầu.

Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để ngành tôm Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với các nước trong khu vực, cần có sự vào cuộc từ bộ, ngành trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và người nuôi.

Trước mắt, ngành tôm Việt Nam tập trung giải quyết những hạn chế để giảm chi phí đầu vào, sau đó đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm tôm chế biến; xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị và bảo vệ hình ảnh con tôm Việt trên thị trường thế giới.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay của các nhà cung cấp, muốn bán được hàng thì ngành tôm Việt Nam cần phải tạo ra được ưu thế vượt trội so với đối thủ và đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ các thị trường.

Các doanh nghiệp, nhà cung cấp, người nuôi cần thực hiện tốt theo Quyết định 79/QĐ-TTg ngày 18/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025.

Ngành tôm tập trung tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm tôm Việt Nam thông qua áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, tổ chức lại sản xuất; xây dựng nền tảng cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững ở giai đoạn tiếp theo.

Cần hình thành ngành công nghiệp tôm công nghệ cao ở các vùng sản xuất trọng điểm; vùng nuôi tôm hữu cơ được áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm dựa trên các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý./.

Theo Thanh Tâm  (Tổng hợp)/kinhtenongthon.vn